Tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng về khí hậu tại Paris

Chuỗi các hội nghị tham vấn không chính thức về khí hậu tại Paris tạo điều kiện thuận lợi cho các thương thảo về khí hậu dưới góc độ chính trị giữa các nước.
Tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng về khí hậu tại Paris ảnh 1Bàn chủ tịch cuộc họp tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng về khí hậu tổ chức ngày 20 và 21/7 tại Paris. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Các bộ trưởng về khí hậu của hơn 40 nước đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới đã tham dự cuộc tham vấn không chính thức diễn ra trong hai ngày 20 và 21/7 tại Paris nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP21) do Pháp đăng cai vào tháng 12 tới.

Cuộc họp tham vấn diễn ra dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch Hội nghị COP21.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Ngoại trưởng Fabius cho biết Pháp quyết định tổ chức chuỗi các hội nghị tham vấn không chính thức để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương thảo về khí hậu dưới góc độ chính trị giữa các nước và liên minh các nước. Đây là những bước đi cần thiết tạo thêm động lực chính trị cho các quốc gia, nhằm hướng tới việc đạt được một "thỏa thuận tham vọng về khí hậu" cho phép đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, còn được gọi là sự "phá vỡ quy luật" về khí hậu.

Ngoại trưởng Pháp cũng cho rằng ngay từ bây giờ, các bên cần phải đẩy nhanh tiến trình thương lượng nhằm đạt được một "thỏa hiệp về các vấn đề chính trị quan trọng." Ông cũng cảnh báo rằng không nên ảo tưởng vào việc có thể tìm thấy một sự thỏa hiệp vào phút chót tại COP21 sắp tới vì thất bại của Hội nghị Copenhagen năm 2009 về khí hậu là bài học đắt giá mà tất cả các quốc gia cần phải suy ngẫm.

Trong hai ngày làm việc, các đại biểu được chia thành 5 khu vực địa lý theo quy định của Liên hợp quốc và 12 liên minh chia sẻ lợi ích chung đã tập trung thương lượng về hai vấn đề quan trọng là sự chia sẻ nỗ lực giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, mức độ tham vọng của thỏa thuận tương lai trên cơ sở có tính đến sự khác biệt về hoàn cảnh và tình trạng phát triển giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Thực tế cho thấy thời gian dành cho các cuộc đàm phán chính thức vào tháng 12 tới không nhiều trong khi khối lượng công việc phải giải quyết là rất lớn. Đặc biệt, cần phải đạt được sự nhất trí của 196 bên (gồm 195 nước và Liên minh châu Âu) nhằm thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C, đạt được các cam kết về nguồn vốn tài chính dành cho biến đổi khí hậu và đầu tư cho nền kinh tế "khí thải cácbon thấp.”

Phát huy vai trò nước chủ nhà COP21, Pháp đã lên kế hoạch cho một loạt các hội nghị nhằm xây dựng dự thảo thỏa thuận. Cụ thể, một hội nghị về nguồn vốn tài chính cho các chính sách khí hậu sẽ được tổ chức trong các ngày 6 và 7/9 tại Paris.

Theo Ngoại trưởng Pháp, đây sẽ là chìa khóa cho một thỏa thuận "công bằng và hiệu quả" khi các bên được yêu cầu tôn trọng các cam kết tài chính. Ngoài ra, Peru và Pháp, những nước chủ trì COP20 và COP21, sẽ tổ chức một hội nghị tiếp theo cũng về các vấn đề tài chính vào tháng 10 tại Lima (Peru) bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Một "hội nghị tiền COP21" cũng sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 tại Paris.

Ngoại trưởng Pháp khẳng định đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là đầu tư cho phát triển. Ông cũng ghi nhận những tiến bộ đạt được liên quan đến ý tưởng về một thỏa thuận "bền vững và linh hoạt," đồng thời cho rằng các nước phát triển phải thực hiện đầy đủ cam kết của mình là huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2020 nhằm tài trợ cho các nước phương Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục