Thần tượng Việt chết yểu?

Phim Thần tượng Việt Nam liệu có chết yểu?

Theo các đạo diễn, khi ca sĩ Việt ngoài đời còn chưa thể là thần tượng của nhiều người, thì khó hy vọng sẽ là thần tượng trên phim.
Bộ phim "Ngôi nhà hạnh phúc" phiên bản Việt vừa kết thúc trên VTV3 vào tối 7/1. Suốt thời gian phim phát sóng, hầu như ở các diễn đàn điện ảnh trên mạng đều đầy ắp những bình luận. Hầu hết là chê.

Dường như chưa phim nào nhận được nhiều lời chê bai như phim này, mà đa số ý kiến tập trung vào việc so sánh nó với phiên bản Hàn Quốc, từng chiếm trọn tình cảm của khán giả khi ra mắt tại Việt Nam.

Diễn viên, kịch bản đều kém Hàn

Trên diễn đàn dienanh.net, có đến 172 trang về chủ đề này, trong đó mỗi trang có khoảng 15 ý kiến. Điều đáng nói là sự thất bại của "Ngôi nhà hạnh phúc" đã được không ít khán giả “cảnh báo”.

Ngay từ khi có thông tin về diễn viên của phim, không ít người tỏ rõ bi quan. Quả thật, ngoại hình của Lương Mạnh Hải, dĩ nhiên là khác với Bi Rain, nhưng khó thể hiện hình ảnh một diễn viên ngôi sao như nhân vật trong phim. Nét diễn và khuôn mặt Hải khó mà bộc lộ nét ngây thơ, hóm hỉnh của nhân vật. Hải diễn vai công tử con nhà giàu trong "Bỗng dưng muốn khóc" thì được nhưng vai Vương Hoàng đúng là không hợp với anh.

Minh Hằng cũng bị nhiều khán giả than thở. Vai Minh Minh tuy trẻ trung và vui vẻ thật đấy nhưng không có được nét đáng yêu, ngộ nghĩnh. Cả Thủy Tiên, Lam Trường... đều diễn không ra “chất” nhân vật, đấy là theo tình huống trong kịch bản chứ chưa nói tới so sánh với diễn viên Hàn Quốc.

Chưa kể, nhiều chi tiết trong phiên bản Việt bê nguyên từ kịch bản Hàn nhưng không hợp với câu chuyện ở Việt Nam nên bị khán giả phản ứng. Chỉ đơn giản việc cô gái xứ Hàn đòi trả 2 triệu won để lấy lại căn nhà thì trong phim Việt Nam, Minh Minh cũng đòi đôi kia trả mình mỗi tháng 2 triệu để lấy lại căn nhà. Trong khi, với căn nhà đẹp cỡ trên phim thì cái giá thuê 2 triệu quả là không tưởng.

Hay cảnh bị cư dân mạng phê phán nhiều là lúc Vương Hoàng thả Minh Minh xuống đường, không chở nàng về nữa. Bản Hàn Quốc có cảnh cuốc bộ đến phồng rộp chân, tối mịt tối mù mới về nhà nên cô gái tức giận là phải. Còn Minh Minh lại đi hóng mát, rồi mới bắt xe ôm về nhà nhưng vẫn nổi giận đùng đùng, làm như oan ức lắm rồi ôm vali bỏ nhà đi. Nhiều chi tiết thêm vào cho hợp với Việt Nam nhưng càng làm cho câu chuyện vô lý.

Câu chuyện phim, ở nhiều tập, bị kéo dài lê thê không cần thiết, nói như ngôn ngữ nhà nghề là “câu giờ”. Nhiều đoạn thoại rời rạc như trả bài. Lam Trường càng mất điểm vì “bệnh” này. Cũng có thể phần phiên bản Việt kéo dài khoảng gấp rưỡi số tập so với phim Hàn nên nhiều thứ... chuệch choạc.

Là thần tượng rồi mới đóng phim thần tượng

Sự kém hấp dẫn của "Ngôi nhà hạnh phúc" được mổ xẻ dưới khá nhiều góc độ. Có ý kiến cho rằng, bộ phim phiên bản gốc là dạng phim thần tượng, xứ Hàn mời ngay anh chàng Bi Rain vốn là thần tượng của các cô cậu tuổi “teen” nên anh chàng này đóng phim khiến các “fan” càng mê mẩn.

Còn ở ta, Lương Mạnh Hải đâu phải dạng ngôi sao thần tượng. Mà Hải mới nổi ở phim "Bỗng dưng muốn khóc" với hình ảnh công tử con nhà giàu, đến phim này càng chưa thoát ra khỏi cái bóng của nhân vật trước để vươn lên thành ngôi sao thần tượng. Kiểu hình thức xinh trai của Lương Mạnh Hải cũng không phải mẫu hình ưa chuộng của nhiều cô gái ngày nay.

Một chút cá tính ngỗ ngược, một chút chân thành đáng yêu và một trái tim nồng nàn... là những đặc điểm dễ thấy ở các nhân vật nam trong các phim thần tượng nước ngoài. Riêng khuôn mặt Hải khó đáp ứng được những “tiêu chuẩn” này.

Việt Nam - chưa đến thời của phim thần tượng

“Mẫu số chung” của các phim “thần tượng” nước ngoài là: Nhân vật nam chính thuộc hàng “danh gia vọng tộc” bỗng dưng yêu cô gái “thường dân”. Cô gái giàu khát vọng, nghị lực và trái tim nhân hậu cảm hóa được chàng trai...

“Chàng” và “nàng” vượt qua sóng gió để đến với nhau, nhưng dù hoàn cảnh nào “chàng” cũng không “biến chất” và không xuất hiện với bộ dạng lem nhem. Cao lớn, đẹp trai (tất nhiên) lại thêm trái tim đa cảm nên chàng trai trong phim càng trở nên gần gũi và thân thương hơn trong mắt của biết bao cô gái tuổi mới lớn. Họ thầm yêu trộm nhớ, mộng ước có ngày được gặp “hoàng tử” như vậy trong đời. Nhân vật trên phim đi vào con tim của hàng triệu thiếu nữ và trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ...

Đã có không ít phim Việt xây dựng những nhân vật như vậy: "Đam mê" (40 tập) và "Chỗ chỉ có một người" (30 tập). Đạo diễn Đinh Đức Liêm cho rằng, ca sĩ ngoài đời, kể cả con người và nghiệp ca hát chưa đến độ trở thành thần tượng của nhiều người, nói gì tới trở thành thần tượng trên phim.

Ngay cả "Acappella" (24 tập) thì 4 chàng trai của nhóm AC&M được “bê” vào phim và có cả chuyện “tình củm” của các chàng với cô bé hàng xóm, với “thường dân”..., nhưng chẳng “dính dáng” đến thần tượng. Đạo diễn mời ca sĩ chuyên nghiệp đóng phim vì muốn “lột tả được cảm xúc của âm nhạc một cách chính xác và tinh tế” chứ không dám nuôi mộng... thần tượng.

“Nhìn nhận từ góc độ xã hội, có thể thấy sự phân tầng xã hội ở Việt Nam không sâu sắc như ở Mỹ và một số nước phát triển. “Sao” quá gần với công chúng nên họ không còn là thần tượng nữa. Người hâm mộ ra đường là gặp được sao. Vào quán ăn, đi mua hàng, thậm chí ngồi xổm ăn uống cùng “sao” ở các quán cóc vỉa hè...”, đạo diễn Nguyễn Minh Tiến (tốt nghiệp New York Film Academy, Mỹ) lý giải khá thuyết phục về việc lĩnh vực ca nhạc cũng hiếm hoi mới có một vài người được coi là “thần tượng”, nói gì tới phim.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã dự báo, phim thần tượng có lẽ sẽ xuất hiện trong tương lai. “Việc xây dựng nhân vật thần tượng đòi hỏi nhiều sự vận động khác nữa ngoài bản thân người viết để khi lên phim, diễn viên đủ sức tích hợp thành thần tượng. Đó là lao động lớn chứ không đơn giản như với các nhân vật bình thường khác”, bà Nhã nhấn mạnh./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục