Thắng lợi của chính sách nhân quyền Việt Nam

Việc Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền khẳng định tính đúng đắn trong chính sách của Đảng, Nhà nước về nhân quyền.

Việc Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, với số phiếu cao nhất trong tất cả các nước ứng cử viên, là khẳng định tính đúng đắn trong chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Đây cũng là sự nhìn nhận khách quan của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi những quyền cơ bản của công dân.

Từ chủ trương tôn trọng và bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền của công dân được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo hiệu quả và đầy đủ. Các chính sách mà Việt Nam đã và đang thực hiện, với con người là trọng tâm, đã mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, Việt Nam đã nỗ lực duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 6%. Đặc biệt, chính sách an sinh xã hội luôn được ưu tiên thực hiện. Đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, người yếu thế trong xã hội… là những đối tượng được chăm lo hàng đầu. Nhờ đó, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Các quyền làm chủ của nhân dân cũng được đảm bảo ngày một tốt hơn thông qua việc thực hiện hiệu quả hơn các quyền dân chủ trực tiếp (quyền bầu cử, ứng cử) và gián tiếp (thông qua các cơ quan dân cử như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp), quyền tham gia ý kiến, theo dõi, giám sát và sự vận hành tốt hơn của cơ chế khiếu nại, tố cáo.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin - vốn được xem là nhóm quyền cơ bản và nhạy cảm - cũng đã đạt được những thành quả to lớn. Các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng phát triển về số lượng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung, phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin về mọi mặt đời sống xã hội đến nhân dân. Báo chí đã trở thành diễn đàn của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó có quyền con người.

Vấn đề đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam cũng luôn được coi trọng. Kể từ khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Người dân được tự do sinh hoạt tôn giáo trên cơ sở tôn trọng chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong những năm qua, các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây mới; nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc tôn giáo được duy trì và mở rộng, nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động tham gia nhiều hoạt động xã hội, đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước.

Nhà nước Việt Nam đã bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng trong chính sách tự do tôn giáo với ba nguyên tắc cơ bản: bình đẳng về tín ngưỡng; bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ (nghĩa vụ tôn giáo, nghĩa vụ công dân); bình đẳng về luật pháp. Việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đặt hài hòa trong tương quan với những yếu tố lịch sử - văn hóa của dân tộc, kết hợp với việc giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.

Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.. Trên thực tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam là thành viên của 8 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

Việt Nam cũng là thành viên 17 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tích cực tham gia cùng các nước ASEAN thúc đẩy hoạt động của Cơ quan liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Ở cấp độ liên khu vực, Việt Nam cùng các nước tích cực hưởng ứng các hoạt động của ASEM nhằm thúc đẩy các quyền con người thông qua hội thảo, hội nghị về quyền con người và đối thoại giữa các tín ngưỡng. Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế có liên quan đến quyền con người tại các cơ quan, diễn đàn của Liên hợp quốc.

Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.

Từ những thành tựu trên, có thể khẳng định rằng việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà Việt Nam; là đòn mạnh đánh vào các đối tượng luôn tìm cách vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chúng ta tin tưởng rằng với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cùng những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian qua, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế này cũng như các cơ chế khác của Liên hợp quốc về nhân quyền./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục