Thắng lợi từ Tổng Tuyển cử đầu tiên bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Thắng lợi từ Tổng Tuyển cử đầu tiên bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/Vietnam+)

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên, người dân Việt Nam được tự tay bỏ phiếu bầu ra những đại biểu Quốc hội ưu tú nhất.

Thắng lợi từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã mở ra triển vọng về một thời kỳ mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa pháp lý đại diện cho nhân dân trong đối nội, đối ngoại.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn.

- Xin đồng chí cho biết những giá trị to lớn và bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đối với hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ đất nước đổi mới hiện nay?


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Nói tới lịch sử Quốc hội Việt Nam có thể nhìn xa hơn một chút tới Quốc dân Đại hội Tân Trào và xa hơn nữa là Hội nghị Diên Hồng. Có thể nói rằng, Quốc hội là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, của lý trí, sức mạnh của dân tộc ta.

Cách đây 70 năm, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những sự kiện trọng đại. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là dấu mốc, biểu tượng của ý chí, sức mạnh dân tộc. Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên còn mang ý nghĩa như một cơ quan của chính thể Cộng hòa dân chủ nhân dân. Có được cuộc bầu cử lịch sử này là nhờ thành quả từ thành công của Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam độc lập và từ đó mới có một Quốc hội Việt Nam độc lập.

Do đó, cuộc bầu cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa mà bây giờ là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một ý nghĩa rất to lớn. Thắng lợi của cuộc bầu cử đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sau gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình bầu ra Quốc hội của mình để có những người đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; thay mặt nhân dân. Nhân dân trao quyền cho Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước, đại diện cho nhân dân quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Đây là một ý nghĩa chính trị hết sức to lớn của nhân dân ta.

Chúng ta thấy rằng, thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong giai đoạn của đất nước với thù trong giặc ngoài như vậy đã khẳng định quyết sách hết sức đúng đắn của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Bác Hồ kính yêu chính là người đã ra quyết định, nhân dân ta trải qua nhiều năm sống trong ách nô lệ, mất quyền tự do, dân chủ, bây giờ phải tổ chức tổng tuyển cử để nhân dân đứng lên quyết định quyền tự chủ, quyết định vận mệnh của chính mình. Chính chủ trương đúng đắn này về mặt đối nội đã tập hợp được sức mạnh toàn dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng nên Nhà nước đầu tiên, Nhà nước dân chủ nhân dân với Quốc hội của mình để bầu ra Chủ tịch nước, Chính phủ và các thiết chế Nhà nước khác.

Về đối ngoại, chúng ta đã tuyên bố với thế giới là nước Việt Nam độc lập và Nhà nước Việt Nam là do Quốc hội bầu ra với tất cả các cơ quan hành pháp, tư pháp, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để khẳng định một Nhà nước Việt Nam độc lập. Còn trước đó, chúng ta mới hình thành mô hình các Ủy ban Giải phóng dân tộc, Tổng khởi nghĩa và Chính phủ lâm thời. Thắng lợi của Tổng Tuyển cử đầu tiên đem lại thành quả không chỉ là một Nhà nước độc lập, dân tự do mà nước ta có Nhà nước với tư cách là Nhà nước dân chủ nhân dân.

Đây là ảnh hưởng rất to lớn bởi vào thời điểm này, đây là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á và mở rộng ra là cả châu Phi. Cách mạng Tháng Tám và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã tạo ra sức ảnh hưởng to lớn, lan tỏa thành phong trào giải phóng dân tộc, phong trào dân chủ nhân dân trong khu vực và trên thế giới.

Lịch sử Quốc hội gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên với sức mạnh của toàn dân tộc. Không gì vui sướng và hạnh phúc bằng việc trở thành công dân của một nước độc lập, có quyền bầu ra đại biểu của mình trong Quốc hội để quyết định những vấn đề mình giao cho đại biểu.

Qua cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội Việt Nam đã được hình thành. Đó là thắng lợi của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, là hiện thân của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện được ý chí chung của toàn thể nhân dân.


- Nhìn lại thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch đánh giá như thế nào về kinh nghiệm trong tổ chức tổng tuyển cử?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Về kinh nghiệm tổ chức bầu cử, có thể nói rằng thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên hội tụ nhiều yếu tố về cả bối cảnh tương quan các lực lượng trong nước và ngoài nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ.

Tuy nhiên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức tổng tuyển cử và đưa cuộc tổng tuyển cử đi đến thành công. Phải khẳng định rằng, đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc.

Đây là sự kiện chính trị to lớn và điều quan trọng nhất là được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng và tham gia đi bầu với tỷ lệ gần 90%, bầu ra 333 đại biểu khắp ba miền bắc trung nam của đất nước. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân.

- Xin ​đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong 30 năm đổi mới?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Trước hết phải nhắc đến nền móng từ thành công đầu tiên của Quốc hội Khóa I đó là việc ban hành bản Hiến pháp 1946 - lời khẳng định cho một nước Việt Nam độc lập với quy định cụ thể cả về quốc kỳ, quốc ca, quốc hiệu; xây dựng mô hình Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức bộ, máy theo một thiết chế hoàn chỉnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được bầu làm Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp 1946. Nhân dân ta vẫn gọi đây là bản Hiến pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó cũng là bản Hiến pháp mà giá trị của nó còn hiện hữu đến cả thời đại ngày nay.

Sau thời kỳ đó, toàn quốc kháng chiến, bộ máy Nhà nước rời về chiến khu để vượt qua cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau chiến thắng Điện Biên, Đảng, Nhà nước và Quốc hội trở về Thủ đô, lãnh đạo đất nước. Tiếp đến là thời kỳ hòa bình cho miền Bắc và bắt đầu giai đoạn chia cắt đôi miền Nam-Bắc của đất nước.

Đảng, Nhà nước và Quốc hội bắt tay vào giai đoạn hàn gắn chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, góp sức người, sức của ủng hộ nhân dân miền Nam, cùng đồng bào miền Nam trường kỳ kháng chiến thống nhất đất nước. Trải qua 20 năm gian khổ, mất mát, hy sinh của toàn dân tộc để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, giai đoạn từ 1946-1954 và 1975, Quốc hội đã quyết định những vấn đề hết sức quan trọng theo chức trách nhiệm vụ của mình, thực hiện hai nhiệm vụ phát triển kinh tế ở miền Bắc, dồn sức cho kháng chiến giải phóng miền Nam.

Những vấn đề hệ trọng đó là chủ trương của Đảng, quyết định của Quốc hội, Chính phủ tổ chức thực hiện, toàn dân hưởng ứng. Cuộc vận động vĩ đại về sức người, sức của ấy cũng đều do Quốc hội xem xét quyết định, đem lại thống nhất nước nhà, non sông thu về một mối. Ước mơ ngàn đời của dân tộc ta độc lập dân tộc, dự do, ấm no hạnh phúc lúc bấy giờ mới thực hiện thành công trên phạm vi cả nước.

Đó cũng là giai đoạn kháng chiến, kiến quốc của Quốc hội từ Khóa I đến khóa V. Sau đó, chúng ta bầu cử toàn quốc, bầu ra Quốc hội khóa VI với ý nghĩa đặc biệt là Quốc hội thống nhất nước nhà trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước.

Quốc hội khóa VI tiếp tục tập hợp ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, đi từ chiến thắng vĩ đại của dân tộc, với trọng trách hết sức lớn lao. Ngay sau đó, Quốc hội cùng cả nước bắt tay vào giai đoạn giải quyết hậu quả của chiến tranh, bắt đầu thời kỳ mới, thời kỳ độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội không chỉ ở miền Bắc mà trên địa bàn cả nước.

Đến năm 1986, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã liên tục có những chuyển động rất tích cực chuyển dịch kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp thiếu hiệu quả sang nền kinh tế cải cách, đổi mới hiệu quả hơn.

Nhưng điều quan trọng nhất và là điểm mấu chốt ở đây là Đảng, Nhà nước, Quốc hội đều lấy dân làm gốc, làm mục đích để nhìn thẳng vào sự thật, từng bước đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới từ 1986 đến nay, kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, khá rõ nét từ sở hữu tài sản, đất đai, cơ chế vận hành, đầu tư trong và ngoài nước với hiệu quả ngày càng tích cực mà rõ nét nhất là đời sống người dân ngày càng được nâng cao và cải thiện.

Đất nước ta hội nhập kinh tế quốc tế và gần đây là hội nhập quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả chính trị, ngoại giao, giáo dục, văn hóa, …Trong hội nhập, tinh thần của chúng ta là đấu tranh vì lợi ích dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền theo hướng bình đẳng, cùng có lợi, cân bằng lợi ích kinh tế đem lại lợi ích cho nhân dân ta và nhân dân các quốc gia khác trên thế giới.

Có thể khẳng định, 30 năm đổi mới, thành quả hội nhập quốc tế của chúng ta là vĩ đại. Ngày nay chúng ta là thành viên tích cực của ASEAN, APEC, tham gia tích cực hợp tác với EU và Liên hợp quốc, tham gia thành viên của cả Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Các hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội đã củng cố, phát triển quan hệ với nghị viện nhiều nước trên thế giới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quan hệ đa phương, là thành viên của nhiều tổ chức liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực vào hoạt động của các diễn đàn này, mà còn chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả, mang lại những lợi ích quan trọng cho tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội cũng đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tại Việt Nam mà sự kiện trọng đại là thành công của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 mùa xuân năm 2015 với bản Tuyên bố Hà Nội - văn kiện quan trọng nhất của hội nghị.

Đó cũng là tiền đề quan trọng của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội tại Liên Hợp quốc; đóng góp vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc để thông qua các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu tới năm 2030. Đây là những chương trình, mục tiêu có tham vọng rất lớn nhằm đem lại lợi ích toàn diện về độc lập, chủ quyền, an ninh, quyền con người và những chỉ tiêu về kinh tế, chênh lệch giàu nghèo, khí hậu, môi trường cho toàn thể nhân loại.

Trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quốc hội có một vai trò hết sức quan trọng, thể hiện rõ rệt nhất là việc thực hiện thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các hiệp định, điều ước quốc tế và cụ thể hóa trong quá trình xây dựng pháp luật, quyết sách những nội dung quan trọng của đất nước.

Quốc hội còn có vai trò quyết định trong những chủ trương lớn của đất nước từ đổi mới nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa; phát triển khoa học, văn hóa, giáo dục, mội trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho tới đối phó với những thách thức đe dọa an ninh thế giới và trong nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, xây dựng đất nước.

Qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Vừa đảm nhiệm chức năng đối nội, đối ngoại, Quốc hội nước ta đã vừa làm tốt chức năng xây dựng pháp luật với 5 lần thay đổi Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp 2013. Những bản Hiến pháp mới ra đời là đem lại những ý nghĩa mang giá trị nền tảng, mở ra một thời kỳ mới, định hướng lâu dài cho sự phát triển của đất nước. Trong giai đoạn hơn 30 năm đổi mới, có những dấu ấn hết sức to lớn của Quốc hội, là cơ sở quan trọng để đảm bảo thành công cho sự phát triển đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục