Tháng Một, Việt Nam chi 4,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc

Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng Một tăng gần 40% những chênh lệch thương mại của Việt Nam với thị trường này vẫn rất cao.
Tháng Một, Việt Nam chi 4,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng Một tăng gần 40% những chênh lệch thương mại của Việt Nam với thị trường này vẫn rất cao.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngay trong tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng Một đạt 1,85 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy vậy, lượng nhập khẩu từ thị trường này đã lên tới 4,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính điều này đã đưa mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 2,45 tỷ USD.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng nổi lên là thị trường nhập siêu lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng Một, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 860 triệu USD, trong khi nhập khẩu tới 2,5 tỷ USD, đưa mức nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc lên mức 1,64 tỷ USD.

Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Hàn Quốc, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Điện thoại các loại và linh kiện và xăng dầu...

(Biểu đồ Thống kê nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc)

Ở chiều ngược lại, bất chấp những biến động sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự kiện Brexit ở châu Âu, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ và EU vẫn tăng cao, trong đó xuất siêu sang Mỹ đạt 2,55 tỷ USD và xuất siêu sang châu Âu đạt gần 1,96 tỷ USD.

Như vậy, với những nét nổi bật trên, theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng Một, ước nhập siêu của Việt Nam là 100 triệu USD, bằng 0,6% kim ngạch xuất khẩu.

"Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,86 tỷ USD thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô xuất siêu 1,76 tỷ USD," Bộ Công Thương cho biết.

Để đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu tại một số thị trường, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc Xúc tiến thương mại những nhóm hàng có thế mạnh và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là nhóm hàng nông sản.

Bên cạnh ​đó, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng phải chú trọng đến điều chỉnh các ngành hàng Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới và quan tâm phát triển hoạt động phân phối, phát triển thương hiệu sản phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục