Thành cổ Luy Lâu: Tích hợp văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hiểu Phấn, thành cổ Luy Lâu là khu đô hội với hai khu dân cư, cảng thị “vệ tinh.” Đây là một di tích thuộc loại hiếm ở khu vực Đông Nam Á.
Thành cổ Luy Lâu: Tích hợp văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán ảnh 1Khai quật khảo cổ học tại thành cổ Luy Lâu (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đợt khai quật khảo cổ học mới đây tại Di tích thành cổ Luy Lâu (từ ngày 10/11/2014 đến 5/1/2015) đã bước đầu xác định được phạm vi, cấu trúc bên trong cũng như niên đại xây dựng thành.

Cụ thể, thành cổ Luy Lâu được hình thành cách đây khoảng 2000 năm, bao gồm thành Ngoại và thành Nội.

Về thành Ngoại, kết quả khảo sát bước đầu cho thấy: kết cấu chỉnh thể của thành Luy Lâu lấy phía Bắc làm hướng chính cho việc xây đắp (giống với ý tưởng xây dựng các khu đô thành và đô thị quận huyện thời Hán).

Trong khi đó, vị trí và phạm vi thành Nội lệch về phía Đông và phía Nam. Điều đó cho thấy, thành cổ Luy Lâu nằm ở vị trí xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) ngày nay, bên hữu ngạn dòng sông Dâu cổ.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hiểu Phấn, đại nhóm khai quật, thành Nội được xây dựng từ thời Hán và liên tục được sửa chữa ở các thời kỳ sau.

“Việc làm rõ được phạm vi của nội thành, cấu trúc bên trong và niên đại xây dựng thành cổ là thành quả lớn nhất của lần khai quật này,” nhà nghiên cứu Hoàng Hiểu Phấn chia sẻ.

Về cảnh quan đô thị của Luy Lâu, nhà khảo cổ học Hoàng Hiểu Phấn cho biết, cách thành cổ 5km về phía Đông Bắc là di tích Bãi Phà Hồ (có tính chất của khu dân cư cảng thị). Cùng với đó, cách Luy Lâu 4km về phía Tây là khu Sen Hồ - một khu dân cư, cảng thị khá lớn trong lịch sử.

“Bởi vậy, có thể hình dung, thành cổ Luy Lâu chính là khu đô hội với hai khu dân cư, cảng thị ‘vệ tinh’ - những trung tâm giao thương vận tải sông nước quan trọng ở Giao Chỉ thời kỳ đó,” bà Hoàng Hiểu Phấn phân tích.

Bên cạnh đó, trong đợt khai quật này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 50 mảnh khuôn trống Đông Sơn bằng đất nung, nằm trong địa tầng ổn định. Số hiện vật này có niên đại vào khoảng thế kỷ 4.

Những mảnh khuôn này thuộc nhiều bộ phận khác nhau như: mặt, tang, lưng và chân trống. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn: vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song…

Thành cổ Luy Lâu: Tích hợp văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán ảnh 2Một số hiện vật thu được từ cuộc khai quật khảo cổ học (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

“Đó là phát hiện khảo cổ học quan trọng, góp phần khẳng định tính bản địa của văn hóa Đông Sơn. Thành cổ Luy Lâu có sự tích hợp giữa văn hóa bản địa (văn hóa Đông Sơn) và văn hóa ngoại lai (văn hóa Hán). Đây là một di tích thuộc loại hiếm ở khu vực Đông Nam Á,” giáo sư Hoàng Hiểu Phấn nhận định./.

Đợt khai quật khảo cổ học từ ngày 10/11/2014 đến 5/1/2015 tại thành cổ Luy Lâu do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) phối hợp thực hiện theo Quyết định số 714/QĐ-BVHTTDL (ngày 5/11/2014) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), việc nghiên cứu thành cổ Luy Lâu - trị sở của quận Giao Chỉ thời Hán giữ vai trò quan trọng trong việc “vén bức màn” về thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc trong lịch sử dân tộc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục