Thanh Hóa bác bỏ thông tin "dự án ODA mới sử dụng đã hư hỏng"

Những thông tin chưa đầy đủ về tuyến đường vành đai đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh Thanh Hóa trong việc vay vốn ưu đãi ODA của Hàn Quốc.
Thanh Hóa bác bỏ thông tin "dự án ODA mới sử dụng đã hư hỏng" ảnh 1Vỉa hè đang được làm mới. (Ảnh: Trường Sơn-Duy Hưng/Vietnam+)

Gần đây có thông tin cho rằng tuyến đường vành đai thuộc hợp phần I của Dự án phát triển toàn diện kinh tế-xã hội thành phố Thanh Hóa mới đưa vào sử dụng đã có nhiều điểm bị bong tróc, hư hỏng, xuống cấp. Hợp phần trên đang trong quá trình thi công và dự kiến đến 31/6/2016 mới hoàn thành và bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Những thông tin chưa đầy đủ về hợp phần này cũng ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh Thanh Hóa trong việc vay vốn ưu đãi ODA của Hàn Quốc cũng như thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước để triển khai đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh.

Công trình tuyến đường vành đai thành phố Thanh Hóa thuộc hợp phần I của dự án Phát triển toàn diện kinh tế-xã hội thành phố Thanh Hóa do Ban Quản lý dự án CSEDP làm chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công là liên doanh Kukdong-Sambo (Hàn Quốc).

Tuyến đường vành đai này có chiều dài trên 8km được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ vay vốn ưu đãi với kinh phí 27 triệu USD. Điểm đầu của tuyến đường giao với Quốc lộ 47 tại Km 12+887, điểm cuối giao với Quốc lộ 47 tại Km16+928. Hợp phần này bao gồm nền, mặt đường, công trình thoát nước ngang, rãnh dọc, hộp kỹ thuật, bó vỉa, đan rãnh, hệ thống thoát nước thải và điện chiếu sáng.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết hợp phần xây dựng đường vành đai thành phố đến nay cơ bản đã hoàn thiện, phần mặt đường đạt chất lượng tốt. Trong quá trình thực hiện hợp phần I, Ban quản lý dự án Phát triển toàn diện kinh tế-xã hội thành phố Thanh Hóa đã đề nghị tái phân bổ khoản vay, chuyển gần 4 triệu USD từ khoản dự phòng của hợp phần 1 sang thực hiện các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 của tuyến đường vành đai.

Nguồn vốn trên sẽ được sử dụng để thực hiện các phần việc bổ sung như làm vỉa hè, cây xanh, 4,5 km điện chiếu sáng và hệ thống đèn giao thông. Dự án cũng được gia hạn đến ngày 30/10/2016.

Cũng do tuyến đường vành đai này là tuyến đường quan trọng và cần sớm đưa vào sử dụng nên Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu đưa vào khai thác sử dụng tạm từ ngày 10/1/2016 để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Bính Thân năm 2016 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Phía Ban Quản lý dự án cũng đã chỉ đạo Nhà thầu Liên danh Kukdong-Sambo làm vệ sinh, sơn kẻ đường, cắm biển báo an toàn giao thông để đưa vào khai tác tạm thời, trong khi vẫn triển khai công tác thi công. Việc đưa vào sử dụng hợp phần 1 này đã gây hiểu nhầm là dự án mới làm xong đã xuống cấp phải đào lên làm lại nhưng thực tế nhà thầu đang triển khai lát vỉa hè, trồng cây xanh, làm 4,5 km điện chiếu sáng và hệ thống đèn giao thông.

Hợp phần 1 xây dựng tuyến đường vành đai thành phố Thanh Hóa được triển khai từ năm 2012, đến nay đã hoàn thành được 99% giá trị khối lượng của công trình như phần đường hơn 8 km, hệ thống đường điện dài 3,5 km, các trạm bơm nước thải, hào kỹ thuật. Tuy nhiên một số đoạn, tuyến chưa lắp đặt hoàn chỉnh các tấm đan, nắp hố ga, hố thu nước mặt đường... Đây là các hạng mục đang trong quá trình thi công và hoàn thiện, chưa được nghiệm thu.

Ban quản lý dự án đang chỉ đạo nhà thầu tiếp tục thi công, lắp đặt hoàn chỉnh, sửa chữa hoặc thay thế những hư hỏng (nếu có) trước khi nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Thanh Hóa bác bỏ thông tin "dự án ODA mới sử dụng đã hư hỏng" ảnh 2Giám đốc dự án (phía ngoài cùng tay trái) đi kiểm tra tiến độ của hợp phần 1. (Ảnh: Trường Sơn-Duy Hưng/Vietnam+)

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của hợp phần 1, ông Lê Đại Minh, Phó Giám đốc thường trực Ban quản lý dự án CSEDP cho biết khâu giải phóng mặt bằng bị chậm do ban đầu dự kiến thu hồi 14,2 ha đất, ảnh hưởng tới 332 hộ gia đình, nhưng trên thực tế thu hồi 43,45 ha đất làm ảnh hưởng tới 777 hộ dân, dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng bàn giao chậm so với tiến độ là 7 tháng.

Phía công ty Kokdong Hàn Quốc do Tập đoàn Woongjin (tập đoàn mẹ) phải tiến hành tái cấu trúc tập đoàn. Trong thời gian hơn 1 năm kể từ khi ký kết hợp đồng với Ban CSEDP thì mọi hợp đồng thầu phụ và các hoạt động khác của Kokdong liên quan đến tài chính phải được Tòa án phía Hàn Quốc phê duyệt.

Bên cạnh đó, hợp phần 1 có vướng mắc trong vấn đề thanh toán thuế VAT cho các nhà thầu phụ do chính sách thuế của Việt Nam không đồng nhất với các quy định của Hiệp định vay và mất hơn 1 năm mới được giải quyết, dẫn đến công tác thi công của các nhà thầu phụ trên công trường trong năm đầu thực hiện dự án rất thận trọng và cầm chừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục