Thanh Hóa: Xử lý hình sự vụ vận chuyển trái phép 56 cá thể tê tê

Chiều 8/12, Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã xử lý hình sự đối với các đối tượng vận chuyển trái phép các cá thể tê tê Java quý hiếm bị bắt giữ trên đường đưa đi tiêu thụ.
Thanh Hóa: Xử lý hình sự vụ vận chuyển trái phép 56 cá thể tê tê ảnh 1Anh Lương Tất Hùng, cán bộ cứu hộ đang điều trị vết thương cho tê tê sau khi được cứu hộ. (Ảnh: CPCP cung cấp)

Sau gần 4 tháng điều tra, nghiên cứu hồ sơ, chiều 8/12, Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã xử lý hình sự đối với hai đối tượng vận chuyển trái phép 56 cá thể tê tê Ja va quý hiếm (với trọng lượng hơn 200kg) bị bắt giữ trên Quốc lộ 10B thuộc địa phận xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn vào giữa tháng Tám vừa qua.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus qua điện thoại, ông Mai Nam Tiến, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn, cho biết, với hành vi vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm (tê tê), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt đối tượng Phan Anh Sơn 18 tháng tù và đối tượng Trần Xuân Đỉnh 15 tháng tù giam. Cả hai đối tượng này đều được hưởng án treo.

“Đối với tang vật chứng, trên cơ sở nắm bắt hồ sơ, Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn đã ban hành bản án tịch thu toàn bộ tang vật bị bắt giữ. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ gửi cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương một bản, để xử lý theo quy định của Luật,” ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho biết, sau khi đã có bản án tịch thu tang vật, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương có thể cho tái thả những cá thể tê tê còn sống về tự nhiên. Với những cá thể đã bị chết, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật có thể tiến hành tiêu hủy, hoặc bàn giao cho cơ quan công an theo quy định pháp luật.

[Mỏi mòn “ngóng” sửa luật, 30 cá thể tê tê ở Cúc Phương đã bị chết]

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào sáng nay (9/12), ông Trần Quang Phương, cán bộ Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê cho biết, đơn vị này vẫn đang “chờ đợi” quyết định từ cơ quan điều tra của tỉnh Thanh Hóa về xử lý tang vật, để có thể tái thả số tê tê còn sống về với tự nhiên.

Theo ông Phương, trong tổng số 56 cá thể tê tê quý hiếm bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 37 cá thể bị chết do các đối tượng vận chuyển trái phép bơm thức ăn, bơm nước vào đường ruột để tăng cân nặng. Hiện chỉ còn 19 cá thể tê tê còn sống, có thể tái thả về tự nhiên.

“Hôm qua, Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên với án phạt hơn một năm tù cho hưởng án treo thì nhẹ quá, trong khi số lượng tê tê bị bắt giữ lên tới hơn 200kg. Đó là chưa kể hành vi bơm thức ăn, bơm nước vào đường ruột, khiến hàng chục cá thể tê tê quý hiếm đã bị chết,” ông Phương chia sẻ.

Thanh Hóa: Xử lý hình sự vụ vận chuyển trái phép 56 cá thể tê tê ảnh 2Tê tê đang được chăm sóc tại Vườn quốc gia Cúc Phương. (Ảnh: CPCP cung cấp)

Nhìn nhận thực tế trên, ông Mai Nam Tiến - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nga Sơn cũng thừa nhận, mức án phạt trên là rất nhẹ đối với tội phạm vận chuyển/mua bán trái phép các loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo ông Tiến, mặc dù các cá thể tê tê mới được bổ sung vào danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhưng Luật lại chưa có hướng dẫn cụ thể số lượng cá thể đối với các khung xử phạt cụ thể, điều này đã gây khó khăn cho việc xử phạt, kết tội đối với các bị can, bị cáo.

“Tuy nhiên, trên cơ sở quy định pháp luật, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, cũng như xin ý kiến của cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân huyện Nga Sơn vẫn truy tố các bị cáo theo Khoản I, Điều 190 của Bộ Luật hình sự, tức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm,” ông Tiến nói./.

Trong tháng Tám vừa qua, Chương trình Bảo tồn và Nghiên cứu Thú ăn thịt và tê tê đã cứu hộ hơn 60 cá thể tê tê từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Cộng với số tê tê đang được chăm sóc, tại trung tâm này có 70 cá thể đạt tiêu chuẩn sức khỏe để được tái thả về tự nhiên. Tuy nhiên, việc tái thả các cá thể tê tê này đã không được cơ quan chức năng chấp thuận vì vướng Luật.

Theo quy định, việc động vật hoang dã sau khi tịch thu là vật chứng của vụ án và chỉ có quyết định tịch thu và xử lý sau khi vụ án kết thúc. Do đó, động vật chỉ được thả lại tự nhiên sau khi vụ án được xử lý. Hệ quả của việc lưu giữ động vật lâu dài dẫn đến phần lớn động vật hoang dã sau khi bị bắt giữ đã bị chết tại cơ quan bảo quản tang vật hoặc các cơ sở cứu hộ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục