Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh cần làm tốt công tác quy hoạch, có như vậy mới hạn chế nhu cầu đi lại phát sinh của nhân dân; thực hiện đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông ảnh 1Ùn tắc giao thông trong sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 29/3, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng thời gian gần đây, ùn tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên nghiêm trọng do công tác thực hiện quy hoạch xây dựng, sử dụng đất và quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, gây phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng giao thông, tạo ra những điểm ùn tắc giao thông mới và tiềm ẩn trong tương lai.

Cùng với đó, Thành phố chưa có giải pháp kiểm soát sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Việc quản lý lòng đường, vỉa hè còn bất cập, thiếu hạ tầng cho người đi bộ và xe đạp. Trong khi đó, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa đảm bảo vai trò chủ đạo trong hệ thống dịch vụ vận tải đô thị, chất lượng dịch vụ của xe buýt còn thấp.

Tại hội thảo “Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Giao thông Vận tải và Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Thành phố Hồ Chí Minh cần làm tốt công tác quy hoạch, có như vậy mới hạn chế nhu cầu đi lại phát sinh của nhân dân; thực hiện đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh nhằm đáp ứng 25-30% nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, Thành phố cần có giải pháp quản lý sự gia tăng phương tiện cá nhân, tạo sự thông thoáng lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ, đi bằng phương tiện xe đạp.

Theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 15/3, Thành phố có hơn 7,5 triệu phương tiện (trong đó có gần 7 triệu xe máy), tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể hàng ngày có hàng triệu phương tiện mang biển số của các tỉnh thành khác vào Thành phố làm việc, học tập.

Việc phát triển đô thị đang diễn ra mất cân đối giữa các khu vực, quá cao ở trung tâm Thành phố (quận 1, 3, 5, 10) nhưng lại chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch tại quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình… Tiến độ di dời cảng biển, bến xe khách, liên tỉnh, trường học, bệnh viện trong khu vực nội đô vẫn chậm. Vận tải hành khách công cộng sức chở lớn (metro, xe buýt nhanh BRT) vẫn chưa xây dựng hoàn thành.

Mặt khác, quỹ đất dành cho giao thông còn thấp, tính đến hết năm ngoái, Thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên với tổng chiều dài hơn 4.000km, diện tích mặt đường khoảng gần 77 triệu m2. Mật độ giao thông chỉ mới đạt 1,9km/km2, diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị là hơn 8% chưa đạt chỉ tiêu đề ra của Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ là 24-26%.

Hiện nay giao thông đường bộ gần như là phương thức duy nhất giải quyết nhu cầu giao thông đô thị của Thành phố. Tuy nhiên, tuyến Vành đai 2 chưa được khép kín, Vành đai 3 chỉ mới triển khai thi công tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, chưa có tuyến Vành đai 4, các tuyến quốc lộ qua địa bàn Thành phố chưa được mở rộng theo đúng quy hoạch, trục đường xuyên tâm Bắc-Nam chưa hoàn chỉnh, chưa có đường đi bộ trên cao. Thành phố mới chỉ hoàn thành hai tuyến cao tốc là Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Tình trạng quá tải xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra thường xuyên do chỉ có một lối ra vào duy nhất trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình. Ngoài ra, Thành phố có nhiều điểm giao cắt (26 vị trí) đường sắt gây kẹt xe vào giờ cao điểm (Quốc lộ 13, Tô Ngọc Vân, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi…).

Bàn về giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho rằng, ngoài việc khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, việc phát triển các cao ốc, khu đô thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học cũng cần phải được thực hiện đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ.

Thành phố sẽ nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ, khép kín đường Vành đai 2, xây dựng đường Vành đai 3, các tuyến đường trên cao, bãi đậu xe trung tâm thành phố, bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Đặc biệt, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến metro số 1, metro số 2, xe buýt nhanh BRT, xây dựng các bến xe liên tỉnh mới ra ngoài khu vực nội đô.

Dưới góc độ chuyên gia, theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Xuân Mai, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ùn tắc giao thông đang kìm hãm toàn bộ sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể các vấn đề về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Hàng năm, Thành phố mất đi khoảng 18.307 tỷ đồng.

Theo quan điểm của phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Xuân Mai, Thành phố nên đầu tư giải pháp hệ thống xe buýt nhanh BRT theo loại hình ba toa vì sẽ tương đương một tuyến tàu điện ngầm, chi phí đầu tư rẻ, thời gian thi công ngắn. Mô hình này đã áp dụng thành công ở các thành phố lớn ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Khi đưa vào hoạt động, xe buýt BRT với những lợi thế về tốc độ, chất lượng, sẽ hút dần người dân chuyển sang đi xe công cộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục