Thanh toán biên mậu tiếp tục mang lại lợi nhuận cho Agribank

Hoạt động thanh toán biên mậu với các tỉnh biên giới tiếp tục mang lại lợi nhuận cho Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank nói riêng.
Thanh toán biên mậu tiếp tục mang lại lợi nhuận cho Agribank ảnh 1Giao dịch tại Agribank. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+).

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã tổng hết hoạt động thanh toán biên mậu của ngân hàng này trong 5 năm qua (từ 2009 đến 2014).

Theo báo cáo, 5 năm qua, trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn thách thức, thị phần thanh toán biên mậu của Agribank tuy có giảm so với giai đoạn 2005-2009 nhưng vẫn duy trì được tổng doanh số thanh toán biên mậu ở mức cao so với những năm đầu mới triển khai. Hoạt động thanh toán biên mậu tiếp tục mang lại lợi nhuận cho Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank nói riêng.

Từ năm 2009, tổng thu phí dịch vụ thanh toán biên mậu đều đạt trên 13 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2011, tổng doanh số thanh toán biên mậu đạt 34.878 tỷ đồng, gần cán mốc mục tiêu 35.000 tỷ đồng đã đặt ra trước đó. Năm 2012 đạt hơn 49 tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng thu từ dịch vụ thanh toán quốc tế, chiếm 2,5% thu ròng ngoài tín dụng.

Với các hình thức thanh toán biên mậu phong phú, thủ tục đơn giản, an toàn, Agribank đã tạo được uy tín đối với khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán biên mậu, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng thương mại khác.

Tại các thị trường Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Trị, doanh số thanh toán biên mậu của Agribank vẫn cao hơn so với các ngân hàng thương mại khác trên cùng địa bàn. Đối với thanh toán biên mậu Việt-Trung, dẫn đầu hệ thống Agribank là chi nhánh Lào Cai và chi nhánh Móng Cái với tổng số phí trong hoạt động thanh toán biên mậu với Trung Quốc cao nhất cũng như có tỷ lệ thu về thanh toán biên mậu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phí dịch vụ của đơn vị.

Đối với thanh toán biên mậu Việt-Lào, chi nhánh Lao Bảo, đơn vị trực tiếp thực hiện nghiệp vụ thanh toán biên mậu, thu từ dịch vụ thanh toán biên mậu chiếm tỷ trọng hơn 50% trong tổng thu nhập ròng và tại Quảng Trị, thị phần thanh toán biên mậu của Agribank vẫn là 100%.

Trong năm 2015, Agribank sẽ hoàn thiện việc triển khai nghiệp vụ thanh toán biên mậu với Ngân hàng Phongsavanh (Lào), Ngân hàng Nông nghiệp Lào và từng bước mở rộng triển khai với các ngân hàng khác tại Lào và áp dụng với thị trường Campuchia.

Ngoài ra, Agribank sẽ tiến hành tổng thể các giải pháp về thị trường, khách hàng, cơ chế, chính sách theo hướng mở, linh hoạt, thông thoáng về tỷ giá và lãi suất; tập trung thực hiện các giải pháp điều hòa đồng bản tệ trong thanh toán biên mậu, hỗ trợ các chi nhánh trong điều tiết đồng bản tệ với USD.

Mục tiêu của Agribank trong năm 2015 là giữ vững thị phần thanh toán biên mậu trong năm 2015 tương đương mức thị phần năm 2014; đạt doanh số thanh toán biên mậu với Trung Quốc 35.000 tỷ đồng; tăng doanh số thanh toán biên mậu với Lào lên 5% so với năm 2014./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục