Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin

Ngành công nghệ thông tin TP.HCM còn nhiều dư địa để phát triển nhưng các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do bất cập về cơ chế chính sách.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin ảnh 1Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngành công nghệ thông tin của Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do sự bất cập về cơ chế chính sách.

Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin-điện tử-viễn thông với chính quyền thành phố, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với các sở, ngành tổ chức chiều 18/9.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghệ thông tin theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Số doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin cũng rất nhiều nhưng hầu hết đều đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của ngành công nghệ thông tin nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp này đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay rất khó để tiếp cận, tham gia cung ứng cho các dự án đầu tư, mua sắm công của thành phố. Nói cách khác, ở mức độ nào đó đang có sự “độc quyền” của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty Ingreetech cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin đang gặp khó khăn trong môi trường đầu tư kinh doanh.

Mặc dù chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia đấu thầu vào các dự án đầu tư, mua sắm công, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ nhưng trên thực tế hầu như không có doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nào có thể tham gia vào thị trường công. Không chỉ ở các dự án lớn, quy mô cấp thành phố, mà ngay cả những dự án nhỏ như mua sắm thiết bị cho các cơ quan cấp huyện cũng khó “có cửa” cho các doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra chuyên ngành cũng đang làm khó nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ-thông tin-điện tử-viễn thông.

[Công bố 6 điều chỉnh trong tổ chức thi THPT quốc gia 2019]

Theo đó, Nghị định 74/2018/NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 132/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa yêu cầu, từ ngày 1/8 vừa qua, doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan để nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông phải xuất trình giấy đăng ký kiểm tra chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Ông Nguyễn Xuân Hiền chia sẻ, điều bất cập trong quy định kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông là các đơn vị kiểm định sản phẩm chỉ tập trung ở Hà Nội, do đó các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh muốn được thông quan phải đưa sản phẩm ra Hà Nội thẩm định, thời gian thẩm định ít nhất là một tuần. Với một doanh nghiệp mỗi tháng nhập 4 sản phẩm, phải ra Hà Nội 4 lần để làm kiểm tra chuyên ngành, rất tốn kém thời gian và chi phí.

Mặt khác, việc kiểm tra chuyên ngành một số sản phẩm phức tạp có thể kéo dài tới 2-3 tuần, khiến doanh nghiệp bị quá hạn thời gian thông quan. Khi đó, doanh nghiệp không chỉ phải nộp phạt quá hạn thông quan mà các đợt nhập hàng sau đó cũng sẽ bị đẩy vào luồng đỏ (luồng bắt buộc kiểm tra hàng hóa thực tế theo cơ chế quản trị rủi ro của hải quan).

Những vấn đề này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bí và phải ngừng hoạt động nhập khẩu, kinh doanh các thiết bị ngành công nghệ thông tin.

Để giải quyết những vấn đề trên, đại diện Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng, phát triển các doanh nghiệp lớn là rất cần thiết nhưng phải tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò là đầu tàu, làm bệ đỡ, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngành công nghệ thông tin. Ngược lại các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là những nhân tố tạo nên sự đột phá, những sản phẩm mới, sáng tạo.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất, thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như tạo ra thị trường mở, công khai về các dự án đầu tư, mua sắm công cho tất cả các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin; đồng thời khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, ưu tiên dùng các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin ảnh 2Ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hội An toàn thông tin Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Chính quyền thành phố cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia vào xã hội hóa trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm bảo các giải pháp của doanh nghiệp được trân trọng, có cơ sở hoàn vốn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường công trong lĩnh vực công nghệ thông tin của thành phố hiện nay là rất lớn vì thành phố đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh với nhiều hạng mục quan trọng như xây dựng trung tâm dữ liệu, trung tâm điều hành, chính quyền điện tử… và thành phố mong muốn sự tham gia, đóng góp của tất cả các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, những phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp là có cơ sở vì trên thực tế hiện nay, quy trình đấu thầu đầu tư công còn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Nhiều dự án sau khi đấu thầu, công nghệ đã bị lạc hậu, không còn khả năng triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những bất cập trong quy định kiểm tra chuyên ngành cũng là vần đề cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghệ.

Tuy nhiên đây là vấn đề chính sách, vượt qua thẩm quyền giải quyết của thành phố, vì vậy thành phố sẽ ghi nhận và kiến nghị lên các bộ, ngành, Chính phủ có hướng điều chỉnh trong thời gian tới.

Về phía thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ công khai thông tin các dự án đầu tư, mua sắm công của thành phố để các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đấu thầu, đồng thời cam kết không có cơ chế ưu tiên độc quyền cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị cơ quan thuế, hải quan tổ chức chương trình đối thoại dành riêng cho các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin nhằm lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục