Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mía đường tại Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khi giá đường giảm sâu, khó tiêu thụ, lượng đường tồn kho lớn, vùng nguyên liệu có nguy cơ bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Đình Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Phạm Yến/Vietnam+)
Ông Nguyễn Đình Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Phạm Yến/Vietnam+)

Trước thực trạng giá đường giảm sâu, khó tiêu thụ, lượng đường tồn kho lớn, vùng nguyên liệu có nguy cơ bị thu hẹp gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang để hiểu rõ hơn về những nỗ lực của tỉnh.

- Thưa ông, cũng như ngành mía đường cả nước nói chung, thời gian qua, việc sản xuất mía đường ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn do giá đường giảm, khó tiêu thụ, lượng đường tồn kho lớn… khiến cho các hộ trồng mía và doanh nghiệp lao đao. Vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất mía đường trên địa bàn, tỉnh đã có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Đình Quang: Để giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mía đường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phát triển mía đường của tỉnh đã tổ chức làm việc trực tiếp với các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương (doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mía đường) để triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh mía đường, trong đó ưu tiên trước hết là phải tổ chức thu mua hết mía nguyên liệu đã trồng năm 2018 và thanh toán đầy đủ các khoản nợ tiền mua mía cho nhân dân.

Trường hợp cần thiết có thể huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch mía. Tỉnh chỉ đạo trồng mới, trồng lại mía nguyên liệu đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2019, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Công ty trong vụ ép 2019-2020.

[Người trồng mía ở Trà Vinh tiếp tục bị thua lỗ nặng]

Các thành viên trong Ban Chỉ đạo phát triển mía đường của tỉnh phải thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời tuyên truyền, giám sát việc thu mua nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, việc thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh và đôn đốc thực hiện kế hoạch trồng mới, trồng lại mía nguyên liệu năm 2019.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn khẩn trương ưu tiên triển khai ngay các thủ tục cho Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương vay vốn theo quy định nhằm đáp ứng việc thu mua hết số mía nguyên liệu và cho vay trồng mới, trồng lại mía nguyên liệu theo kế hoạch năm 2019; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát việc thu mua mía nguyên liệu, hướng dẫn đôn đốc thực hiện kế hoạch trồng mới, trồng lại và thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất mía; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp để chỉ đạo sản xuất mía đường niên vụ 2019-2020 đảm bảo hiệu quả.

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mía đường tại Tuyên Quang ảnh 1Người dân xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang đang thu hoạch vụ mía 2018-2019. (Ảnh: Phạm Yến/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc trực tiếp với các cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn thông tin kịp thời về tình hình sản xuất mía đường, các chính sách của tỉnh, cam kết về thu mua nguyên liệu, thanh toán của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương; tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng trong nhân dân để nhân dân yên tâm thu hoạch mía nguyên liệu, thực hiện kế hoạch trồng mía năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt việc thu mua nguyên liệu mía và thực hiện kế hoạch trồng mía năm 2019 trên địa bàn, kịp thời nắm tình hình, xử lý những vấn đề phát sinh..., qua đó, từng bước giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân.

- Với rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, vậy đến thời điểm này đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quang: Đến thời điểm hiện tại, các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang đang triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Nhiều cuộc họp bàn, gặp gỡ đối thoại để làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân đã được thực hiện.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương để đôn đốc, vận động, hỗ trợ nhân dân thu hoạch hết diện tích mía nguyên liệu đã trồng năm 2018; hướng dẫn nhân dân tập trung chăm sóc mía lưu gốc, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ làm đất để trồng mới, trong đó chú trọng mở rộng diện tích trồng các giống mía mới cho năng suất, chất lượng cao.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ quỹ đất trong quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía đường của tỉnh theo kế hoạch được phê duyệt, tạo điều kiện để nhân dân trao đổi, tích tụ ruộng đất để đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu tập trung… Qua đó, các hộ dân trồng mía đã an tâm hơn, hiện các hộ dân đang tích cực chăm sóc diện tích mía lưu gốc, tiến hành trồng mới.

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mía đường tại Tuyên Quang ảnh 2Công nhân Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện sản xuất và đóng gói đường. (Ảnh: Phạm Yến/Vietnam+)

Các ngân hành trên địa bàn tỉnh đã lập hồ sơ, hạn mức tín dụng mới để tạo điều kiện cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, người dân vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và trồng mía nguyên liệu.

- Xin ông cho biết cây mía có vai trò như thế nào trong cơ cấu phát triển nông nghiệp của Tuyên Quang?

Ông Nguyễn Đình Quang: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định 3 khâu đột phá là đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; khai thác tiềm năng phát triển du lịch; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực.

Cây mía đã được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của Tuyên Quang, bên cạnh các cây chè, cam, lạc và nguyên liệu giấy.

Cây mía đã được trồng ở Tuyên Quang đến nay đã trên 20 năm. Hiện, tỉnh có hơn 8.000ha diện tích mía nguyên liệu, với khoảng trên 21.000 hộ dân trồng mía.

Trồng mía đã giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Nhờ trồng mía, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

- Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì để ngành mía đường của tỉnh phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quang: Để ngành mía đường của tỉnh phát triển bền vững, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác hướng dẫn nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho tất cả các khâu sản xuất, tập trung vào khâu giống, cơ giới hóa, canh tác mía; xây dựng cánh đồng mía lớn, cánh đồng tập trung, đánh giá các kỹ thuật thâm canh phù hợp, hiệu quả với từng giống mía, từng loại đất để chuyển giao nhanh vào sản xuất; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo sản xuất vùng mía nguyên liệu cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; đẩy mạnh việc liên kết nhóm hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã trồng mía nguyên liệu; rà soát, đề nghị điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách cho vay hỗ trợ trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh...

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh mía đường tại Tuyên Quang ảnh 3Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đang thực hiện thu mua mía. (Ảnh: Phạm Yến)

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương tập trung đôn đốc nhân dân chăm sóc, bón phân cho mía đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất nhất là khâu trồng và ép mía để nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người trồng mía.

Tỉnh yêu cầu tăng cường nghiên cứu chọn tạo được các giống tốt, chất lượng cao để mở rộng sản xuất; thường xuyên kiện toàn hệ thống nông vụ đảm bảo vận hành linh hoạt từ khâu chuyển giao kỹ thuật cho người trồng mía, đến điều hành các khâu: làm đất, cung ứng vật tư, thu hoạch, vận chuyển; lựa chọn những vùng có điều kiện thuận lợi để tổ chức xây dựng các cánh đồng mía lớn, nhân rộng mô hình thâm canh mía đạt năng xuất cao; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển vùng nguyên liệu cho phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công ty và người sản xuất...

Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương và nhân dân trồng mía ổn định, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đường. Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục