Thấy gì từ cách thức đặt tên cho đường phố tại Malaysia

Tại Malaysia, việc đặt tên đường phố được đánh giá là khá hài hòa, khoa học và linh hoạt, tạo thuận lợi cho công tác quản lý hành chính cũng như giúp người dân xác định vị trí khi đi lại một cách khá
Thấy gì từ cách thức đặt tên cho đường phố tại Malaysia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: coconuts.co)

Tại Malaysia, việc đặt tên đường phố được đánh giá là khá hài hòa, khoa học và linh hoạt, tạo thuận lợi cho công tác quản lý hành chính cũng như giúp người dân xác định vị trí khi đi lại một cách khá dễ dàng.

Những điểm giống Việt Nam

Giống với Việt Nam, tại các thành phố, ví dụ như tại thủ đô Kuala Lumpur, về cơ bản, các đường phố lớn, đường phố chính được đặt theo tên người hoặc địa danh. Đó có thể là tên của các vị vua, các danh nhân hay các nhà lãnh đạo của đất nước.

Ví dụ như “Đường Tun Razak” được đặt theo tên của cố Thủ tướng Abdul Razak Hussein, thân sinh của đương kim Thủ tướng Najib Razak. Đường “Tuanku Abdul Halim” được đặt theo tên Nhà vua Abdul Halim.

Hoặc đơn giản, tên đường được gắn với một địa danh hay một đặc điểm địa lý hoặc lịch sử nào đó.

Ví dụ, “Đường Quốc hội” là con đường mà ở đó có Tòa nhà Quốc hội Malaysia. Hoặc “Đường Bukit Segar 1,” “Đường Bukit Segar 2” (trong tiếng Malaysia, Bukit Segar có nghĩa là Ngọn đồi Xanh tươi) là tên gọi các con đường nằm trên một ngọn đồi có nhiều cây cối tươi tốt tại quận Cheras, phía Đông Nam thủ đô Kuala Lumpur.

Hay “Đường Kampung Pandan” (tiếng Malaysia có nghĩa là Làng Pandan) là con đường chính chạy qua Làng Pandan…

Giống như Việt Nam, đặt tên đường phố theo tên người là cách Malaysia tôn vinh các cá nhân có đóng góp hoặc ảnh hưởng lớn đối với đất nước. Hoặc đơn giản, tên đường được đặt theo đặc điểm địa lý, lịch sử nào đó, vốn gắn bó và quen thuộc với người dân từ lâu.

Những điểm khác nhau

Điểm khác biệt đầu tiên, Malaysia không có sự phân biệt giữa đường và phố, cũng như không có khái niệm ngõ hay hẻm như ở Việt Nam. Tất cả các đều được gọi chung là “Jalan,” có nghĩa là “con đường,”

Điểm khác biệt lớn nhất so với Việt Nam, đó là, để đặt tên đường phố, Malaysia còn kết hợp sử dụng cả chữ cái và số thứ tự. Ở thủ đô Kuala Lumpur, có thể thấy rất nhiều các đường phố được đặt tên theo cách này, ví dụ như Jalan 1, Jalan 2, hay Jalan C, Jalan E, Jalan F…

Việc đặt tên theo cách này thường được áp dụng đối với các đường phố ngắn, nằm trong cùng một khu dân cư hay một khu vực hành chính ở cấp nhỏ nhất, tương đương hoặc ở dưới cấp phường ở Việt Nam.

Đối với các đường hẻm, giống như các ngõ ngách nhỏ, ngắn kết nối các đường lớn hơn ở Việt Nam, Malaysia tiếp tục ghép nối các chữ cái và số thứ tự. Ví dụ như Jalan F1, Jalan F2,hay Jalan 1/76, Jalan 1/69E … để giúp việc định vị được chi tiết hơn và dễ dàng hơn.

Với việc sử dụng số thứ tự và chữ cái để đặt tên, tại Kuala Lumpur có nhiều đường phố trùng tên nhau.

Tuy nhiên, điều này không gây khó khăn cho người dân, bởi cách đặt tên như vậy chỉ nhằm để phân biệt các đường phố ngắn cùng nằm trong một khu vực dân cư hay một đơn vị hành chính nào đó vốn đã có địa chỉ rõ ràng và riêng biệt.

Do đó, khi đã xác định được khu cần đến, việc xác định các con đường này không mấy khó khăn.

Trong nhiều trường hợp, có sự kết hợp giữa địa danh với số thứ tự để đặt tên đường phố. Đi cùng với đó là một số quy tắc nhất định về đánh số, như đánh số từ nhỏ đến lớn theo thứ tự từ ngoài vào trong, từ phải sang trái…

Điều này được áp dụng tại một số “Taman” (đơn vị hành chính giống như cấp phường ở Việt Nam).

Ví dụ như tại Taman Selayang Utama thuộc quận Selayang (thủ đô Kuala Lumpur), người ta lấy hai chữ cái đầu của Taman này, đó là S và U, sau đó ghép lại và kết hợp với các số thứ tự để gọi tên đường, như Jalan SU 1, Jalan SU 2, Jalan SU 37…

Với cách làm này, khi nhắc đến Jalan SU 1, Jalan SU 2… người dân sẽ hiểu đó là đường số 1, đường số 2… ở Taman Selayang Utama, quận Selayang.

Hoặc tại Taman Bukit Segar, quận Cheras, các con đường ở đây được gọi với những cái tên như Jalan Bukit Segar 1, Jalan Bukit Segar 2... Nghĩa là Đường số 1, Đường số 2… ở Taman Bukit Segar.

Nhìn chung, việc đặt tên như trên giúp người dân Malaysia cảm thấy khá thuận lợi trong việc xác định địa điểm, song như vậy vẫn là chưa đủ. Vì trên thực tế, có những con đường rất dài, chạy qua nhiều khu vực hành chính khác nhau, dẫn đến việc tìm kiếm địa chỉ cụ thể nào đó gặp khó khăn.

Hay có những khu đô thị hoặc đơn vị hành chính rộng lớn, khi đó để xác định được con đường cần đến một cách chính xác và nhanh chóng không phải là điều dễ dàng.

Để giải quyết vấn đề này, Malaysia tiến hành phân chia các khu vực trong thành phố theo mã vùng bưu điện. Ví dụ, quận Cheras được chia thành các khu vực có các mã vùng bưu điện khác nhau, như Cheras 56100, Cheras 56000…

Mỗi mã vùng bưu điện như vậy ứng với một khu vực địa lý nhất định thuộc quận Cheras, thường là một số Taman (phường) gần kề nhau. Tất nhiên, người dân phải nắm được quy định phân vùng này.

Từ thực tế tại Malaysia có thể thấy, nước này không có chủ trương “số hóa” cũng như không cố gắng tìm kiếm các tên tuổi để định danh cho tất cả các đường phố. Thay vào đó, Malaysia có sự kết hợp linh hoạt, hài hòa và khoa học trong việc đặt tên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục