Thầy giáo trẻ 10 năm cắm bản "ươm chữ" cho học sinh vùng cao

Thầy giáo trẻ Vi Văn Thỏa vinh dự là 1 trong 7 giáo viên vùng cao của tỉnh Thanh Hóa được lựa chọn tham dự Lễ Tuyên dương giáo viên cắm bản tiêu biểu năm 2015 tại Hà Nội.
Thầy giáo trẻ 10 năm cắm bản "ươm chữ" cho học sinh vùng cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề, hơn 10 năm nay, thầy giáo trẻ Vi Văn Thỏa, giáo viên Trường tiểu học Trung Lý, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn để cắm bản, đem con chữ đến với những em nhỏ vùng cao.

Thầy Thỏa vinh dự là 1 trong 7 giáo viên vùng cao của tỉnh Thanh Hóa được lựa chọn tham dự Lễ Tuyên dương giáo viên cắm bản tiêu biểu năm 2015 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.

Từng đi bộ hàng chục km đường rừng để đi tìm con chữ, chàng trai trẻ dân tộc Thái Vi Văn Thỏa thấu hiểu được sự nghèo khó, đói ăn, “khát chữ” của trẻ em vùng cao. Đây cũng là động lực để chàng trai trẻ Vi Văn Thỏa quyết tâm theo ngành sư phạm nhằm đem con chữ đến với học sinh vùng cao.

Năm 2005, tốt nghiệp hệ Trung cấp Sư phạm Thanh Hóa, như bao sinh viên khác, Vi Văn Thỏa mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão được công hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người. Khi đó, thầy Thỏa được phân công về giảng dạy và chủ nhiệm lớp 5 điểm trường Lìn thuộc bản Lìn xã Trung Lý.

Nhớ lại những ngày đầu đến với học sinh bản Lìn thầy Thỏa cho biết: "Từ trung tâm xã đến điểm trường thuộc bản Lìn phải vượt qua 22km đường rừng. Ngôi trường nằm chênh vênh trên vách núi, được lợp tạm bằng mái tranh, ngăn vách bằng những tàu lá cọ. Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề, yêu trẻ tôi đã tự nhủ đây mới chỉ là khó khăn bước đầu."

Hành trình mang "con chữ" cho trẻ em vùng cao của thầy giáo Thỏa gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Các em học sinh chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc H'Mông, điều kiện kinh tế rất khó khăn, cha mẹ ít quan tâm tới việc học tập của con em mình.

Vào những ngày mùa, học sinh thường bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy, lớp học cứ thế vắng dần bóng dáng học sinh. Để vận động các em đến lớp học chữ, tranh thủ những ngày nghỉ, thầy Thỏa lại đi bộ cả chục km đường rừng đến từng nhà động viên bố mẹ cho các em đi học. Sự gần gũi của thầy với các gia đình học sinh đã dần dần khích lệ gia đình các em quan tâm đến việc học hành của con trẻ.

Gắn bó với điểm trường Lìn được 2 năm, năm 2009, thầy Thỏa được điều động về giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp 2, điểm trường Cá Ráng thuộc bản Cá Ráng, xã Trung Lý cách trường chính 10km và cách trung tâm xã Trung Lý 32km.

Con đường đến trường lại xa hơn, gập ghềnh hơn, khó khăn thử thách lại bắt đầu với thầy giáo trẻ. Học sinh ở Cá Ráng 100% là con em đồng bào dân tộc Mông, vốn ngôn ngữ Tiếng Việt của học sinh đầu cấp rất ít nên rất khó khăn cho việc giao tiếp giảng dạy.

Cũng giống ở bản Lìn, ở Cá Ráng, nhiều gia đình chưa chú trọng đến sự học cho con em mình. Với quan niệm học cũng ăn ngô, ăn sắn, không học cũng ăn ngô, ăn sắn nên nhiều gia đình không cho con em đi học.

Để vận động các em đến trường, thầy Thỏa lại bắt đầu cuộc hành trình trèo đèo, lội suối đến đến từng gia đình, khuyên nhủ từng em. Thầy còn trao đổi bàn bạc với các thầy cô cùng điểm trường đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy tính chủ động tích cực của học sinh, vận dụng dạy học song ngữ trong một số môn học, để tạo hứng thú cho các em tới lớp.

Sau một thời gian nỗ lực không ngừng, thầy Thỏa cùng các thầy cô ở điểm trường Cá Ráng đã truyền được tình yêu con chữ đến học sinh vùng cao. Các em đi học chuyên cần hơn, mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Điều kiện giảng dạy và công tác khó khăn là vậy nhưng chưa thấm vào đâu với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đã nhiều năm nay, thầy giáo Thỏa cùng các giáo viên khác phải sống trong căn phòng tạm bợ. Mọi sinh hoạt cá nhân đến việc soạn bài lên lớp đều gặp nhiều khó khăn do căn phòng chật hẹp. Nắng Hè thì oi bức, trời mưa thì dột nát.

Không chỉ chỗ ở khó khăn, vào mùa nắng, các giáo viên phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày, các thầy cô phải đi bộ vài cây số xuống khe suối lấy nước về dùng.

Nhắc đến chuyện về thăm quê, thầy tâm sự: "Con trai tôi từ ngày sinh ra đã phải gửi ông bà nội chăm nuôi, mặc dù rất nhớ con nhưng một năm tôi chỉ tranh thủ về thăm con 1-2 lần. Nhớ vợ, thương con, tôi coi học sinh như con mình mong khỏa đi nỗi nhớ."

Tại điểm trường Cá Ráng không có sóng điện thoại di động nên mỗi khi muốn nói chuyện với gia đình, người thân, các giáo viên ở điểm trường phải bắc thang leo lên cây mới có sóng điện thoại. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng thầy Thỏa và các thầy cô nơi đây luôn động viên nhau và hứa quyết tâm cắm bản để mang "con chữ” đến với những học trò miền biên giới.

Hạnh phúc lớn nhất của các thầy cô giáo là được chứng kiến học sinh của mình ngày càng tiến bộ, phụ huynh, học sinh tin yêu và quý trọng.

Thầy Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lý, xã Trung Lý cho biết, dã hơn 10 năm giảng dạy tại trường, dù được phân công về bất kỳ điểm trường nào, thầy Thỏa đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Lớp thầy Thỏa chủ nhiệm năm nào cũng đứng đầu về thành tích học tập, duy trì đều đặn sỹ số học sinh, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề, những thầy giáo cô giáo, nhất là những người giảng dạy ở các điểm trường lẻ khó có thể vượt qua khó khăn để công hiến cho sự nghiệp trồng người./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục