Thẻ điện tử xe buýt: Khó "đo" được sự trung thực của hành khách

Thí điểm đưa vé tháng điện tử vào triển khai sẽ giúp vận hành hệ thống xe buýt hiệu quả nhưng không ít người cũng băn khoăn tính khả thi khi phụ thuộc vào ý thức và sự trung thực của hành khách.
Thẻ điện tử xe buýt: Khó "đo" được sự trung thực của hành khách ảnh 1Hà Nội sẽ triển khai đại trà hệ thống vé tháng điện tử trong 2-3 năm tới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hà Nội vừa khởi động thí điểm hệ thống thẻ vé tháng điện tử trên tuyến buýt 06 và dự kiến vào ngày 6/10 sẽ chính thức phát hành loại vé này để hành khách đi lại.

Theo đại diện các cơ quan chức năng, việc thí điểm đưa vé tháng điện tử vào triển khai sẽ giúp vận hành hệ thống xe buýt hiệu quả, xác định được chất lượng dịch vụ cũng như nắm được nhu cầu của hành khách. Thực tế, đây cũng là hướng phát triển chung của tất cả các đô thị trên thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề được không ít người quan tâm là làm thế nào để người dân được hưởng trọn vẹn những tiện ích từ việc áp dụng công nghệ này trong quá trình tham gia giao thông.

Mục tiêu triển khai đại trà...

Ông Kubo Yoshitomo, đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam nhìn nhận, hiện nay, số lượng hành khách đi vé tháng chiếm khoảng 70% tổng khách trên cả mạng lưới trong khi việc quản lý bán vé và báo cáo tài chính mất nhiều thời gian, vé có thể làm giả do vé tháng này bằng giấy, phải kiểm tra giám sát.

“Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị, vì thế không thê sử dụng mãi thẻ bằng giấy. Do đó, thành phố cần thiết chuyển từ thẻ giấy sang hệ thống thẻ điện tử trong thơi gian tới,” ông Kubo Yoshitomo nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, so với thẻ giấy, quy trình đăng ký, mua tem vé tháng và sử dụng để di chuyển bằng xe buýt của vé điện tử không khác nhiều. Thay vì đưa thẻ cho nhân viên xe buýt kiểm tra , hành khách sẽ quét thẻ qua máy ghi, đọc thẻ. Máy sẽ tự động kiểm tra, thông báo tình trạng hợp lệ, thời hạn sử dụng của vé.

“Chủ trương của thành phố là làm thí điểm trên một tuyến trước tiên để tạo ra sự thay đổi ít nhất cho hành khách, để hành khách không có những thao tác và biến động lớn trong quá trình khai thác, sử dụng dịch vụ. Hành khách chỉ biết rằng họ được chuyển đổi với loại thẻ có chất lượng tốt, bền vững hơn. Tuy nhiên, quá trình kiểm soát trên xe có một chút thay đổi thay vì khách giơ thẻ vé nhận dạng thì chỉ cần quẹt,” ông Hải cho hay.

Thẻ điện tử xe buýt: Khó "đo" được sự trung thực của hành khách ảnh 2Vé tháng điện tử vào triển khai sẽ giúp vận hành hệ thống xe buýt hiệu quả. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với những tuyến khác không có đầu đọc thẻ vé tháng điện tử, theo ông Hải, hành khách vẫn phải dùng thẻ như cũ để nhận dạng.

“Chúng ta phải chấp nhận tạm thời một khoảng thời gian đối với loại thẻ có hình thức song hành như vậy. Với việc áp dụng vé điện tử sẽ giúp hoạt động của xe buýt trở nên chuyên nghiệp, văn minh, thống nhất từ khâu quản lý, phát hành, kiểm soát vé.

Đặc biệt, giúp tạo cơ sở giữ liệu cho các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành nắm được chất lượng vận hành, hành khách lên xuống, trao đổi giữa các trạm dừng đỗ. Nắm được sản lượng doanh thu trên tuyến một cách nhanh chóng và chính xác, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách,” ông Hải đánh giá.

Đặt câu hỏi đến việc khi nào thành phố sẽ tiến hành triển khai đại trà, ông Hải cho rằng, vé tháng điện tử là dự án thí điểm để khẳng định độ tin cậy của phần cứng thiết bị lắp đặt, tính tương thích và tính mở của hệ thống phần mềm mà thành phố đặt ra trong dự án, giúp cơ quan chức năng có bức tranh toàn cảnh, tổng thể về vé điện tử và làm cơ sở để nhân rộng.

“Một nước phát triển như Hàn Quốc cũng mất tới 10 năm mới có thể làm đại trà thẻ vé điện tử. TRAMOC đề xuất dự án nhân rộng, nếu thành phố thông qua và có sự triển khai thuận lợi thì nhanh nhất trong khoảng 2-3 năm tới sẽ triển khai đại trà trên các tuyến buýt khác,” ông Hải khẳng định.

Băn khoăn tính khả thi

Hiện, dự án mới chỉ dừng ở mức thí điểm thử nghiệm cho một tuyến là bước quan trọng, giúp thay đổi, nâng cao ý thức người dân khi vận hành bằng phương tiện vận tải công cộng.

Tuy nhiên, nhiều lái và phụ xe buýt cũng như hành khách lại đặt ra sự nghi ngại liệu dự án có tính khả thi khi áp dụng loại thẻ điện tử này.

Là người có thâm niên 5 năm làm nhân viên thu vé hành khách trên xe buýt, anh Phạm Quang Thọ, phụ xe buýt số 01 (Bến xe Gia Lâm-Bến xe Yên Nghĩa) tỏ ra rất vui vẻ trước việc sẽ dùng thẻ điện tử đối với hành khách đi xe buýt.

Anh Thọ cho rằng, nếu dự án này mang lại hiệu quả cao, nâng cao được ý thức của người tham gia phương tiện công cộng thì rất cần thiết nhưng cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án.

“Hiện tại, khách đi xe buýt để vé rất bừa bãi, lúc thì trong túi xách, lúc đeo ở cổ, lúc nhét túi quần… Có những vị khách khi phụ xe kiểm tra vé lục loạn lên mới thấy. Nếu như sử dụng vé điện tử mà hành khách không thay đổi ý thức thì sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, ở những địa điểm trung chuyển, trường đại học, lượng khách lên khá đông, có khi tới 40 người mà chỉ cần quá trình quẹt thẻ chậm có thể gây mất thời gian cho xe buýt trong khi quy định ở mỗi địa điểm, xe buýt chỉ được đóng mở trong vài phút.

Hơn nữa, vừa sử dụng thẻ điện tử, vừa sử dụng thẻ giấy truyền thống, vé ngày sẽ khiến cho nhân viên trên xe rất khó kiểm soát sự trung thực của hành khách,” phụ xe Thọ chia sẻ.

Bổ sung thêm, nhân viên thu vé này cũng thành thật tiết lộ, hiện tại, tình trạng trốn vé, sử dụng vé giả khi tham gia xe buýt khá nhiều. Trong những thời điểm lượng hành khách lên xe lớn, bản thân phụ xe đã có kinh nghiệm nhưng cũng không tránh được tình trạng thất thoát vé.

Khẳng định việc hiện đại hóa hệ thống bán và kiểm soát vé cá nhân khi đi xe buýt là việc cần làm, phù hợp với quy luật phát triển, nhiều hành khách coi xe buýt là phương tiện đi lại chủ đạo lại bày tỏ quan điểm, cần có lộ trình hợp lý để triển khai và quan trọng nhất vẫn là ý thức của hành khách.

Bạn Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, người có thâm niên đi xe buýt 3 năm cho rằng, phụ xe khó có thể kham nổi việc kiểm soát thẻ vé trên xe bởi khi khách đông, phụ xe đã toát mồ hôi trong việc kiểm soát hành khách có mua vé hay không, sử dụng vé quá hạn...

Theo cô sinh viên này, khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng gồm nhiều thành phần, trong đó nhiều người chưa quen, chưa biết đến công nghệ thông tin. Do đó, thời gian đầu, cơ quan quản lý nên áp dụng một số tuyến mà có lượng khách sử dụng vé tháng nhiều.

Đối tượng nên áp dụng việc dùng vé từ trước tiên là sinh viên vì thành phần này tiếp cận với công nghệ thông tin nhanh nhất.

Liên quan đến các yếu tố kỹ thuật khi lượng người lên đông dẫn tới ùn tắc không kịp quẹt thẻ, gây lộn xộn và ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng, đại diện JICA khẳng định, không đáng lo ngại.

“Các hệ thống chúng tôi thiết lập sẽ kiểm soát chặt chẽ thông tin cụ thể như khách hàng vừa quẹt thẻ xong nếu quẹt lần hai thì hệ thống sẽ báo phản hồi để nhận thông tin vì thế, không đáng lo ngại hành khách bị thu tiền 2 lần khi đi xe buýt,” đại diện JICA nói.

Đề cập đến việc làm thế nào kết nối được tất cả các dịch vụ quá cảnh, vận tải, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, khi triển khai vé chung cho vận tải hành khách công cộng Hà Nội, câu hỏi đặt ra đầu tiên chính là câu chuyện kết nối giữa các hệ thống và đây cũng chính là chủ trương nhất quán của thành phố chỉ đạo.

“Hà Nội sẽ sử dụng hệ thống vé chung duy nhất cho vận tải công cộng. Trên cơ sở đó, thành phố cũng ban hành khung chuẩn để các nhà đầu tư, các đơn vị tài trợ tuân thủ thì sẽ có một hệ thống kết nối tổng hợp và điều hành thống nhất,” ông Hải khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục