Thế giới cần hệ thống lương thực toàn cầu bền vững

Hệ thống nông lương được công nghiệp hoá đã chứng tỏ không thể đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của nhân loại.
Viện Theo dõi thế giới (WWI) của Mỹ và Trung tâm Barillia về lương thực và dinh dưỡng (BCFN) của Italy đã công bố nghiên cứu “Ăn mòn hành tinh năm 2012” nêu bật những thách thức mà hệ thống nông nghiệp và lương thực thế giới đang phải đối mặt và lợi ích của một hệ thống mới bền vững hơn, dễ tiếp cận hơn và công bằng hơn.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo công bố ngày 2/5 cho biết trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu mỏ giảm, nông dân trên thế giới ngày càng khó khăn khi phải đối phó với sự gia tăng đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu và các hoá chất khác.

Thế giới không thể tiếp tục thúc đẩy hệ thống nông nghiệp và lương thực phụ thuộc quá mức vào các nguồn nhiên liệu hoá thạch. Hệ thống nông lương được công nghiệp hoá đã chứng tỏ không thể đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của nhân loại.

Bà Danielle Nierenberg, Giám đốc dự án "Nuôi dưỡng hành tinh" của WWI khẳng định hệ thống nông nghiệp và lương thực thế giới hiện hành đang tan vỡ và không thể đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng toàn cầu. 30% sản lượng lương thực toàn cầu đang bị lãng phí trong khi 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và 1 tỷ người khác bị béo phì.

Trong bối cảnh này, nhân loại cần tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề của người đói, người béo phì và thanh niên thất nghiệp hiện đang được coi là những vấn đề bức xúc nhất thế giới. Ngoài ra, nhân loại cũng cần tư duy về lương thực, cách thức sản xuất lương thực hiệu quả cũng như phương thức tiêu dùng nó như là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Nghiên cứu của WWI và BCFN nhấn mạnh tác động của thức ăn nhanh đang dẫn đến một loạt các bệnh chưa từng xuất hiện tại các nước đang phát triển như tiểu đường, béo phì, đau tim và một số dạng bệnh ung thư. Nghiên cứu kêu gọi cơ cấu lại toàn bộ hệ thống lương nông của thế giới, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn đến tính địa phương và khu vực cũng như tuỳ thuộc vào các nguồn tài nguyên sẵn có.

Quá trình này cần hành động từ người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng lương thực để đảm bảo hệ thống sản xuất bền vững hơn, lương thực an toàn hơn. Các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy những thay đổi để đầu tư lớn hơn vào nông nghiệp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục