Thế giới tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng bị hư hại

Ngày 3/9, tại Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên Thế giới ở Mỹ, các quan chức cho rằng thế giới đã tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng và đất đai tự nhiên bị hư hại vào năm 2020.
Thế giới tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng bị hư hại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: iucn.org)

Ngày 3/9, tại Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên Thế giới do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức ở Honolulu, thuộc bang Hawaii của Mỹ, các quan chức cho rằng thế giới đã tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng và đất đai tự nhiên bị hư hại vào năm 2020.

Theo nguồn tin trên, Malawi và Guatemala đã cam kết phục hồi tổng cộng 4,54 triệu ha đất bị hư hại.

Các cam kết này là một phần trong sáng kiến "Thách thức Bonn" nhằm phục hồi 150 triệu ha đất bị hư hại vào năm 2020.

Trả lời họp báo, nhà hoạt động Bianca Jagger nói: "Chúng tôi đã vượt qua cột mốc 100-113 triệu ha và đang trên đường đạt được mục tiêu "Thách thức Bonn." Đây có lẽ là một trong những sáng kiến quan trọng nhất trên thế giới."

Bà Jagger nhấn mạnh đất sẽ bảo vệ nguồn nước, phát triển nông nghiệp, tạo việc làm và chống biến đổi khí hậu.

Sáng kiến "Thách thức Bonn" do Đức và IUCN đưa ra năm 2011 và được Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc thông qua năm 2014. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi 350 triệu ha đất vào năm 2030.

Theo IUCN, việc đạt được mục tiêu trên sẽ đem lại 170 tỷ USD/năm nhờ vào nguồn nước được bảo vệ, cải thiện mùa màng, các sản phẩm từ rừng, đồng thời có thể giảm tới 1,7 tỷ tấn khí thải CO2/năm.

Hiện tổng cộng có 36 chính phủ, tổ chức và các công ty đã cam kết thực hiện sáng kiến "Thách thức Bonn." Các quốc gia mới cam kết gần đây gồm Panama, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Guinea và Ghana./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục