Thế lưỡng nan của các ngân hàng T.Ư châu Á

Các thị trường mới nổi vật lộn kiềm chế lạm phát, các nền kinh tế phát triển đối mặt với trì trệ, làm các ngân hàng rơi vào thế kẹt.

Các thị trường mới nổi đang vật lộn để kiềm chế lạm phát, trong khi các nền kinh tế phát triển phải đối mặt với tình trạng trì trệ, khiến các ngân hàng trung ương rơi vào thế kẹt ở giữa.

Brazil vừa bất ngờ cắt giảm lãi suất mặc dù lạm phát tăng trong tháng Tám vừa qua; trong khi đó, Trung Quốc có thể nới lỏng điều kiện cấp tín dụng cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay cả một vài trong số các quốc gia công nghiệp hóa, chẳng hạn như Hàn Quốc, cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để trì hoãn việc tiếp tục tăng lãi suất do triển vọng tăng trưởng toàn cầu u ám.

Đồng Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong Frederic Neumann nói rằng không phải tất cả đều “may mắn” như Brazil, song có lý do để hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ có khả năng cho vay nhiều hơn.

Theo ông, hầu hết ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã có xu hướng phạm sai lầm ở phía thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải là chống lạm phát.

Các Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonessia, Philippines và Australia đều vừa tiến hành họp bàn về chính sách lãi suất. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, lãi suất chuẩn hiện ở mức gần bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ lạm phát.

Nhiều ngân hàng trung ương châu Á đã chậm thắt chặt tiền tệ khi lạm phát gia tăng lần đầu tiên trong năm 2010 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hối thúc phải có hành động mạnh mẽ hơn.

Tại Brazil, lãi suất đứng ở mức cao 12% ngay cả sau khi cắt giảm hồi tuần trước, gần gấp đôi so với Trung Quốc và cao gấp ba lần so với Hàn Quốc.

Triển vọng kinh tế toàn cầu “mờ nhạt” hiện nay khiến các ngân hàng trung ương rơi vào thế lưỡng nan giữa lạm phát cao cần tăng lãi suất và nhu cầu yếu đòi hỏi giảm lãi suất. Nhiều nhà kinh tế đã dự đoán áp lực giá cả sẽ giảm dần khi giá dầu và các hàng hóa khác giảm. Giá dầu thô đã giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh hồi tháng Năm năm nay, nhưng lạm phát vọt lên mức cao nhất trong ba năm qua ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tại Brazil, chỉ số lạm phát vào tháng Tám vừa qua đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng trở lại đây. Số liệu thống kê tuần cuối tháng Tám cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc đã có phần giảm bớt so với mức 6,5% của tháng trước đó. Nhưng ngay cả khi giảm xuống 6,2% như dự đoán của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters, đây vẫn là con số cao hơn so với mục tiêu 4% cho năm nay mà Bắc Kinh đặt ra.

Điều đáng lo ngại là chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong 6 tháng qua cao hơn so với mức các nhà kinh tế dự báo, cho thấy lạm phát đã trở thành vấn đề nan giải hơn so với nhiều nhà quan sát mong đợi. Đối với Bắc Kinh, những sai lầm chính sách ở cả hai phía (thúc đẩy tăng trưởng và chống lạm phát) đều dẫn đến các rủi ro chính trị.

Mối đe dọa lạm phát quá mức và tăng trưởng có thể chậm lại đều đe dọa công ăn việc làm và dẫn đến bất ổn xã hội. Thực phẩm và nhà ở đắt đỏ lại làm dấy lên sự giận dữ của người dân. Tuy nhiên, có sự nhất trí chung là chỉ số CPI của Trung Quốc đã ở mức đỉnh trong tháng Bảy vừa qua.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo hôm 1/9 vừa qua đã tái khẳng định kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên chính sách hàng đầu của chính phủ.

Nhà kinh tế Ju Wang của Barclays Capital tại Singapore nhận định áp lực lạm phát cao, nhưng đang đạt đỉnh tại các nền kinh tế châu Á. Hiện khó có sự sớm nới lỏng tiền tệ hoàn toàn ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ đang đi đến hồi kết.

Trong khi đó, giáo sư Patrick Chovanec tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng vấn đề lạm phát của Trung Quốc xuất phát từ cấu trúc nên sẽ không biến mất một cách đễ dàng chỉ vì giá dầu hay giá thực phẩm giảm.

Ông cho rằng tăng trưởng có thể chậm lại tại các thị trường mới nổi lớn, nhưng vẫn còn mạnh mẽ. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9,5% trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, có nghĩa là nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ gia tăng sẽ tiếp tục khiến giá tăng. Ngoài ra, thị trường lao động thắt chặt có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát, bởi công nhân đòi lương cao hơn để theo kịp với chi phí sinh hoạt gia tăng.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết giữ lãi suất gần bằng không đến giữa năm 2013 đã cung cấp phần nào sự bảo hiểm cho ngân hàng trung ương tại các thị trường đang nổi, khiến họ ưu tiên chờ đợi xem tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại như thế nào.

Báo cáo việc làm của Mỹ tháng Tám vừa qua cho thấy không có tăng trưởng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 9,1%, làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào một đợt suy thoái kinh tế mới.

Báo cáo trước Quốc hội hồi đầu tháng Chín này, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một loạt đề xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng và tạo việc làm. Nhưng nếu kinh tế Mỹ xấu đi và FED quyết định tung ra các đợt mua trái phiếu mới thì các thị trường mới nổi có thể nhận một cú bồi áp lực lạm phát do giá hàng hóa gia tăng, giống như FED tung ra gói kích thích 600 tỷ USD hồi đầu năm nay.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Standard Chartered hy vọng các chính phủ và ngân hàng trung ương châu Á có một quan điểm chính sách kinh tế phòng ngừa hơn là hành động tích cực, để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kép ở phương Tây./.

Việt Tú (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục