Thêm một bài học cho nghề nhà báo sau “vụ Hoa hậu Triệu Thị Hà”

Có thể nói, sau gần một năm, “vụ án” Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam mới được làm sáng tỏ. Thêm một lần nữa, đạo đức nghề của các nhà báo lại được nhắc đến như một bài học đắt giá…
Thêm một bài học cho nghề nhà báo sau “vụ Hoa hậu Triệu Thị Hà” ảnh 1Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc thông báo với báo chí về những vi phạm của Triệu Thị Hà trong cuộc gặp mặt hồi tháng 5/2014. (Ảnh: BTC)

Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công An) vừa có công văn số 209-ANĐT-VP, ngày 6/4/ 2015, chính thức gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và bà Đoàn Thị Kim Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CIAT (đơn vị tổ chức Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam) thông báo kết quả giải quyết nội dung: “Đề nghị điều tra làm rõ những thông tin không đúng sự thật của cô Triệu Thị Hà phát ngôn trên một số báo đã đăng tin; tin nhắn đe dọa Công ty CIAT và bà Đoàn Thị Kim Hồng – Chủ tịch HĐQT Công ty.”

Với nội dung quan trọng nhất của cuộc điều tra: những phát ngôn của Triệu Thị Hà, công văn khẳng định:

Tại cơ quan điều tra, Triệu Thị Hà cũng thừa nhận có trả lời một số phóng viên báo chí, nhưng đã không chú ý cách dùng từ, dẫn đến một số phóng viên đã lợi dụng khai thác, định hướng dư luận theo nghĩa tiêu cực, làm ảnh hưởng đến uy tín của ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2011 nói chung và cá nhân bà Đoàn Thị Kim Hồng nói riêng. Triệu Thị Hà đã viết bản tường trình và xin lỗi ban tổ chức cuộc thi và bà Đoàn Thị Kim Hồng vì đã có những phát ngôn không chín chắn, gây hiểu lầm.

Về các nội dung “nửa đêm cũng bị đi tiếp khách,” Triệu Thị Hà cho biết không cung cấp thông tin hay trả lời cho phóng viên báo chí, mà chỉ nói có những lúc đi tiếp khách đến khuya mới về; tiếp khách tức là đi đến gặp các nhà tài trợ để xin tài trợ, chứ không phải đi tiếp khách như nhiều người thường hay nghĩ xấu ý nghĩa của nó.

Việc “Tôi thấy mình bị lợi dụng công sức” là do bản thân Hà thấy việc đi xin tài trợ và gặp các mạnh thường quân, ban tổ chức đã không nêu rõ mục đích, do vậy thấy mình như bị lợi dụng công sức. Đối với thông tin “Quý bà Kim Hồng đem cả mẹ tám mấy tuổi để gây áp lực,” Hà khẳng định không có chuyện Hoa hậu Kim Hồng lấy mẹ ra để gây áp lực cho Hà.

Từ những kết quả điều tra trên, Cơ quan an ninh điều tra cho rằng: Căn cứ vào nội quy của ban tổ chức và bản cam kết của các thí sinh trước khi tham gia cuộc thi thấy rằng, những hoạt động do ban tổ chức đưa ra đều phù hợp và nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động của các thí sinh đạt giải.

Tuy nhiên, Triệu Thị Hà lại cho rằng mình bị lợi dụng công sức, bị ép buộc là hoàn toàn không đúng sự thật. Đối với những bài viết đã được đăng trên báo cho thấy rằng các phóng viên đã viết bài có sự suy diễn, xuyên tạc không đúng thực tế, gây nên hiểu lầm, tạo ra một số dư luận không tốt, có ảnh hưởng đến uy tín của bà Đoàn Thị Kim Hồng.

Triệu Thị Hà đã viết bản tường trình và xin lỗi ban tổ chức cuộc thi, cũng như cá nhân bà Đoàn Thị Kim Hồng vì những phát ngôn như trên. Do vậy, cơ quan an ninh điều tra nhận thấy: Những vi phạm của Triệu Thị Hà chưa đến mức để xử phạt hành chính hay hình sự.

Thêm một bài học cho nghề nhà báo sau “vụ Hoa hậu Triệu Thị Hà” ảnh 2Các thí sinh Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011. (Ảnh: BTC)

Đối với các bài viết đã được đăng trên các báo Tuổi trẻ cười, Thể thao &Văn hóa, Vietnamnet… cơ quan an ninh điều tra nhận thấy các bài viết chỉ là sự suy diễn, không đúng thực tế như trả lời phỏng vấn của cô Triệu Thị Hà, mặc dù sử dụng những từ nhạy cảm như “tiếp khách”, “lợi dụng việc tiếp khách để trục lợi”, nhưng sự việc đã xảy ra lâu, tầm ảnh hưởng không lớn, không gây hậu quả trực tiếp đối với bà Đoàn Thị Kim Hồng, nên không cần thiết phải xử lý các phóng viên viết bài bằng biện pháp hành chính hay hình sự.

Nội dung thứ hai của công văn là kết quả điều tra, xác minh tin nhắn “đe dọa bà Đoàn Thị Kim Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CIAT và gia đình bà Kim Hồng.”

Cơ quan điều tra xác định được chủ thuê bao số điện thoại 0975051xxx, có nhân thân, lai lịch: Họ tên: Đ.D.K, sinh năm 1983 tại Kiên Giang, hộ khẩu thường trú tại phố Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Tại cơ quan an ninh điều tra, Đ.D.K công nhận nội dung các tin nhắn “CIAT à, chúng mày cẩn thận đó nhé, giải quyết ổn thỏa cho em Hà đi,” “Lũ khốn các người chỉ biết lợi dụng sức khỏe và nhan sắc của người khác. Hãy cẩn thận khi rời khỏi công ty” là do K nhắn khi đang ngồi uống rượu với bạn, số điện thoại của bà Đoàn Thị Kim Hồng là lấy trên mạng internet. Đ.D.K khẳng định hoàn toàn không có quan hệ hay quen biết gì Triệu Thị Hà.

Mặt khác, vào thời gian trên Đ.D.K bị bệnh “Hội chứng động kinh và động kinh toàn bộ không rõ nguyên do,” phải uống thuốc Levetral, nên thần kinh không ổn định. K đã cung cấp hồ sơ bệnh án và bản xác nhận điều trị của Bệnh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh vào thời gian trên.

“Đối với tin nhắn đe dọa bà Đoàn Thị Kim Hồng và gia đình, cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ việc người đã gửi tin nhắn đó, nhưng nội dung tin nhắn chỉ là đe dọa, chưa có dấu hiệu đe dọa giết người, hay khủng bố theo quy định của pháp luật. Mặt khác, thời điểm gửi tin nhắn cho đến nay, người gửi tin là Đ.D.K bị bệnh ‘Hội chứng động kinh và động kinh toàn bộ không rõ nguyên do,’ K cũng đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và đã viết thư xin lỗi bà Đoàn Thị Kim Hồng, mong muốn được sửa chữa sai lầm và rút kinh nghiệm sâu sắc”, công văn khẳng định.

Như vậy, sau gần một năm, “vụ án” Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam mới được làm sáng tỏ. Thêm một lần nữa, đạo đức nghề của các nhà báo lại được nhắc đến như một bài học đắt giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục