Thí điểm bảo vệ quyền người lao động trong cơ sở dễ phát sinh mại dâm

Các tỉnh thành có số lượng lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm sẽ được chọn để thực hiện mô hình hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở "nhạy cảm" này
Thí điểm bảo vệ quyền người lao động trong cơ sở dễ phát sinh mại dâm ảnh 1(Ảnh minh họa: ifeng)

Các tỉnh, thành phố có số lượng lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm sẽ được lựa chọn thí điểm thưc hiện mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" này.

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét về mặt xã hội, người bán dâm là nhóm người dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội).

Vì vậy, một trong các nhiệm vụ của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 là xây dựng thí điểm mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm…

Việc thí điểm sẽ được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ năm 2016 đến 2018) tại 5-10 tỉnh, thành phố được lựa chọn trên cơ sở số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn và số lượng người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ....).

Đồng thời, một số tỉnh, thành phố có số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ít cũng được thực hiện thí điểm để làm đối chứng. Trong giai đoạn 2018-2020, trên cơ sở kết quả thí điểm quy mô nhỏ sẽ đánh giá, nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.

Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng thực tiễn cho việc lựa chọn, hoạch định chính sách pháp luật, các chương trình can thiệp đối với người bán dâm, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về mại dâm ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 sẽ kiên quyết triệt phá, xóa bỏ những tụ điểm về mại dâm, bóc lột tình dục. Đặc biệt, các hoạt động phòng, chống mại dâm trong giai đoạn này được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền công dân, quyền con người và giảm tác hại của mại dâm với xã hội.

Hiện nay, trên cả nước xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm mới thông qua internet, Facebook, Zalo…Tình trạng người bán dâm sử dụng ma túy tăng cao. Đối tượng mại dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó, đối tượng không nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do chiếm hơn 75%, 20% trong các doanh nghiệp, 3% là cán bộ công nhân viên chức. 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi 18-25./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục