Thí sinh đang "chạy nước rút" cho kỳ thi đại học

Học đến 2, 3 giờ sáng, đăng ký thi thử đại học, các sĩ tử đang hối hả "chạy nước rút" cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đã cận kề.
Tăng cường độ đến các lớp luyện thi, học đến 2, 3 giờ sáng và tranh thủ thử sức với các kỳ thi thử ở trung tâm, các sĩ tử đang hối hả chạy nước rút cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đã cận kề.

Khăn gói lên thủ đô

Tại ngõ 336, cạnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, anh Trần Văn Đường ở Việt Yên, Bắc Giang, đứng tần ngần trước trung tâm luyện thi số nhà 15 mà chưa biết chọn lịch học nào cho con. Con gái anh, em Trần Thị Hoài năm nay thi cả hai khối A và B vào Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Y Thái Nguyên.

Anh bảo, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh đã muốn đưa con lên Thủ đô ôn thi, sớm ngày nào, tốt này đó. Nhưng do công việc của một thợ xây khá bận rộn, chủ thi công ép tiến độ nên phải vài ngày sau anh mới sắp xếp được công việc để về quê. “Tôi đi xây ở Hà Nội nên con lên đây có thể ở cùng với bố, khá thuận tiện, không phải tốn chi phí thuê nhà,” anh Đường chia sẻ.

Hành trang lên Hà Nội của Hoài là một... thùng sách. Anh Đường cho biết, tối nào cô con gái cũng cặm cụi học hành rất khuya khiến anh không khỏi lo lắng về tình hình sức khỏe của con. Đưa ánh mắt ái ngại nhìn đứa con cao dỏng, gày gò, anh Đường thở dài: “Nhà người ta khá giả thì có điều kiện bồi dưỡng cho con trong lúc học hành căng thẳng thế này, nhưng nhà mình nghèo, chỉ biết động viên con. Càng nghĩ càng thấy thương con thắt ruột nên tôi lại càng cố gắng đầu tư cho con học hành, để mai này nó đỡ khổ như mình.”

Hoài cho biết em đã ôn tập khá kỹ và đầu tư trọng tâm hơn vào khối A. Em hy vọng sẽ đỗ vào Đại học Công nghiệp Hà Nội để được ở gần bố hơn.

Không đầu quân cho khối A, em Nguyễn Thu Hiền, học sinh trường Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đăng ký thi khối D. Hiền bảo, em thực hiện chiến dịch "ngủ ngày, cày đêm," thức đến 2, 3 giờ và dậy muộn. Buổi chiều lại đến các lớp luyện thi. “Cũng căng thẳng nhưng phải cố thôi, thời gian còn rất ít. Thi xong, em sẽ nghỉ xả hơi thoải mái,” Hiền cười nói.

Cũng theo Hiền, thời gian này, thầy cô ở các trung tâm chỉ củng cố, hệ thống lại kiến thức và cho học sinh giải đề của những năm trước.

Vào mùa thi thử

Hiền cho biết, kiến thức đã “hòm hòm” nên em định đăng ký thi thử đại học ở Trung tâm bồi dưỡng kiến thức, Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo Hiền, việc thi thử vừa để kiểm tra năng lực của mình, đồng thời rèn luyện tâm lý trong phòng thi.

Đây cũng là tâm lý chung của các sĩ tử thời điểm này. Nắm bắt được điều đó, dịch vụ thi thử khá sôi động, cả trên thế giới thực và thế giới ảo. Các trung tâm luyện thi tại Cầu Giấy, Thanh Xuân, phố Tạ Quang Bửu như Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm Thăng Long... các trang web ôn luyện trực tuyến như hocmai.vn, thaytro.vn, thithudaihoc.vn… đều tổ chức dịch vụ thi thử đại học cho thí sinh.

Lệ phí thi thử từ 30.000 đến 35.000 đồng mỗi môn. Mức phí thi thử ở Trung tâm Thăng Long (trên phố Chùa Bộc) là 30.000đồng/môn, ở Trung tâm Bồi dưỡng của Đại học Sư phạm là 35.000 đồng/môn, tại điểm luyện thi số nhà 15, ngõ 336, cạnh trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là 30.000 đồng/môn. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, chủ điểm luyện thi số nhà 15 thì mức phí này chỉ nhỉnh hơn giá một ca học ôn 5.000 đồng do chi phí phô tô đề, công chấm thi.

Nhiều nơi thậm chí còn miễn phí thi thử cho thí sinh.

Trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia phối hợp với Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức thi thử cho các sĩ tử khối năng khiếu H, R, V.

Theo bà Nguyễn Hồng Yên, chuyên viên tuyển sinh của trường Arena, thí sinh được miễn phí hoàn toàn khi dự thi. Giám khảo chấm là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Không chỉ chấm thi, giám khảo còn nhận xét và tư vấn cho thí sinh. Thí sinh đăng ký ngay từ bây giờ để dự kỳ thi diễn ra tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/6.

“Chúng tôi hy vọng kỳ thi sẽ giúp thí sinh cọ xát với không khí thi cử, rút kinh nghiệm trong làm bài để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyến sinh sắp tới”, bà Yên nói.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy hóa, đồng thời là Trưởng phòng phát triển nội dung của Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ giáo dục IDJ, sau cả một chặng dài học miệt mài, thời điểm này thí sinh đã có kiến thức khá vững. Việc thi thử sẽ giúp cho các em dò được các "lỗ hổng" còn sót.

Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện, thầy Ngọc cho rằng khi thi thử, thí sinh cần thực sự tự nghiêm túc với chính bản thân về thời gian và vận động tự thân trong làm bài để có kết quả bài thi đúng với năng lực của mình nhất. Như vậy mới biết mình còn yếu ở điểm nào để bổ sung.

Cũng theo thầy Ngọc, tổng số lần thi thử của thí sinh chỉ nên ở ngưỡng 3 – 4 lần, bao gồm cả việc các em tự mình làm đề theo đúng thời gian cho phép. Việc thi thử nếu lạm dụng quá nhiều sẽ vô tình gây sức ép. Bên cạnh đó, nội dung đề thi thử chỉ mang tính tham khảo nên thí sinh không vì điểm số của kỳ thi thử mà hoang mang hay chủ quan nếu bị điểm thấp cũng như được điểm cao./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục