Thí sinh thích thú với câu hỏi về Đại đoàn kết dân tộc trong đề Sử

"Đề dễ hơn so với năm ngoái" là nhận định chung của nhiều thí sinh tại Hà Nội sau khi hoàn thành môn thi Lịch Sử
Thí sinh hoàn thành môn thi Lịch sử sáng ngày 4/7 (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hôm nay, 4/7, các thí sinh tham dự kỳ thi Phổ thông trung học Quốc gia bước vào ngày thi cuối cùng với 2 môn thi Lịch sử và Sinh học.

Để lịch sử dễ thở

Kết thúc môn thi đầu tiên vào buổi sáng - môn Lịch sử, các thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề Sử năm nay dễ thở, vừa sức với thí sinh, đặc biệt kết hợp hài hòa giữa kiến thức thuộc bài và kiến thức vận dụng.

Em Nguyễn Văn Phúc, học sinh trường Trung học phổ thông Đông Mỹ, ra trước khi thời gian làm bài kết thúc, nhận xét: 2 cầu đầu khá dễ, 2 câu sau về Chiến thắng Điện Biên Phủ và đại đoàn kết dân tộc thì khó hơn.

Một thí sinh khác cũng ra khỏi trường thi khá sớm, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Huyền, cho biết làm được khoảng 90% bài thi, nhận định đề thi môn Lịch sử năm nay dễ hơn so với năm ngoái. Ngay cả câu liên hệ cũng không làm khó thí sinh vì chủ đề này khá gần gũi và các thí sinh có thể dễ dàng lấy ví dụ phân tích trong bài.

Em Nguyễn Thị Phương Mai, trường Trung học phổ thông Lê Lợi, cho biết câu 2 là dễ nhất và câu 3 là khó nhất trong đề thi.

Thí sinh thích thú với câu hỏi về Đại đoàn kết dân tộc trong đề Sử ảnh 2Đề thi Lịch sử được thí sinh đánh giá là "dễ thở," khá nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi sớm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Theo ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Trì, chỉ khoảng 2/3 thời gian, hàng chục thí sinh đã rời phòng với tâm trạng khá thoải mái.

Do đây là điểm thi dành cho các thí sinh xét điểm tốt nghiệp nên các em không đặt yêu cầu quá cao với bài làm của mình. Chỉ đến 10 giờ 15, toàn bộ thí sinh đã rời phòng, mặc dù thời gian làm bài chưa hết.

Đại đoàn kết dân tộc được đưa vào đề Sử

Ngoài việc đánh giá đề thi dễ thở, ghi nhận của phóng viên, nhiều thí sinh tỏ ra rất thích thú với câu hỏi về chủ trương chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Em Lê Xuân Hải, học sinh trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú cho rằng, câu cuối cùng của môn thi Lịch sử khá hay khi đề cập đến chủ trương chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, từ đó thế hệ trẻ cần phải làm gì để phát huy truyền thống này.

“Đây là dạng đề mở, ngoài kiến thức trong sách, học sinh cũng cần phải có những quan điểm, chính kiến riêng về vấn đề này. Nếu học sinh nào chịu khó đọc và nghe các phương tiện thông tin truyền thông thì sẽ có thêm nhiều thông tin để có sự phân tích, bình luận sâu hơn về chính sách Đại đoàn kết dân tộc,” Hải chia sẻ.

Thí sinh thích thú với câu hỏi về Đại đoàn kết dân tộc trong đề Sử ảnh 3Vấn đề Đại đoàn kết dân tộc được đưa vào đề thi khiến thí sinh thích thú (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Hải cũng cho rằng, trong điều kiện đất nước hội nhập toàn cầu và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, việc khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đặc biệt là sức mạnh đại đoàn kết đối với thế hệ trẻ là điều rất quan trọng. Và, đề thi năm nay đã đề cập đến trách nhiệm, nghĩa vụ của những công dân trẻ.

Thí sinh Nguyễn Quốc Dũng, ở điểm thi Đại học Thủy lợi, cho rằng, câu hỏi liên hệ về Đoàn kết dân tộc rất hay và ý nghĩa vì dù trong chiến tranh hay thời bình thì tinh thần đoàn kết cũng được thể hiện rất rõ trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước.

Chiều nay, các thí sinh bước vào môn thi Sinh học - môn thi cuối cùng của kỳ thi Phổ thông trung học Quốc gia 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục