Thị trường bánh Trung Thu trầm lắng, dòng bánh cao cấp ít khách

Tuy giá thành giảm hơn năm trước từ 10-20%, thị trường bánh Trung Thu tại Hà Nội vẫn khá trầm lắng, bên cạnh đó người tiêu dùng cũng thờ ơ với các loại bánh cao cấp.
Thị trường bánh Trung Thu trầm lắng, dòng bánh cao cấp ít khách ảnh 1Người tiêu dùng mua bánh Trung Thu. (Nguồn: TTXVN)

Thị trường bánh Trung Thu năm nay tại Hà Nội không sôi động như mọi năm, một phần do các doanh nghiệp không được phép bán hàng trên vỉa hè như trước, bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng cũng nghiêng về dòng bánh bình dân và các loại bánh cổ truyền.

Chi phí bán hàng chiếm tới 50% giá thành

Từ trước tới nay, người tiêu dùng thường phải bỏ ra khá nhiều tiền cho một hộp bánh mà trong đó có tới 50% là chi phí marketing.

Từ nhiều năm nay, trước mùa Trung Thu khoảng hai tháng, các hãng bánh đã tung sản phẩm ra thị trường, sớm tiếp cận người tiêu dùng. Trên các đường phố Hà Nội ngập tràn sắc màu đỏ, vàng mang đặc trưng của bánh Trung Thu.

Nhiều doanh nghiệp chi “mạnh tay” cho công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh. Trên khắp các đường phố Hà Nội có thể bắt gặp vô vàn kiốt bán hàng, cửa hàng bán bánh Trung Thu được trang trí bắt mắt.

Các hãng thường hỗ trợ từ 300.000-500.000 đồng cho các cửa hàng bánh kẹo treo biển hiệu quảng cáo bánh Trung Thu cho hãng mình; các điểm trưng bày bánh Trung Thu cũng được hỗ trợ tương đương.

Với các điểm bán hàng không cố định tại đường phố hay các trung tâm thương mại, các hãng bánh phải đầu tư kiốt, nhà bạt, thuê địa điểm, thuê nhân viên bán hàng. Đặc biệt, chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thường chiếm một tỷ lệ lớn. Đó còn chưa kể tới chi phí hàng mẫu.

Thời gian làm thị trường phải thực hiện trước vụ Trung Thu ít nhất hai tháng và điều đó đồng nghĩa chi phí cũng kéo dài với thời gian tương đương. Tất cả chi phí này đều nằm trong giá thành sản phẩm và tất nhiên người tiêu dùng phải gánh chịu các chi phí đó.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh Trung Thu tiết lộ, chi phí cho việc bán bánh Trung Thu đúng vụ thường chiếm tới 50% giá thành sản phẩm.

Bà Lê Phương Ngọc, đại diện Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp chi cho công tác quảng cáo hình ảnh rất lớn, nhất là các doanh nghiệp cổ phần tư nhân. “Việc chi đó làm hỏng hết cả thị trường” - bà Lê Phương Ngọc khẳng định.

Định vị lại thị trường

Nếu như những năm trước, người tiêu dùng Thủ đô chứng kiến sự tranh đua của các hãng sản xuất bánh Trung Thu, nhất là các hãng lớn thì năm nay, thị trường bánh Trung Thu có vẻ ổn định hơn từ phương thức bán hàng, giá cả đến các dòng sản phẩm.

Hiện, xu hướng tiêu dùng của người dân Hà Nội thiên về dòng bình dân, mang phong vị truyền thống hơn là các loại bánh cao cấp. Trước kia, thị trường xuất hiện nhiều dòng bánh có giá từ vài ba triệu đồng thì năm nay chủ yếu là dòng bánh có giá từ 200.000-300.000 đồng/hộp.

Các doanh nghiệp sản xuất loại bánh cổ truyền là Công ty cổ phần Tràng An, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, hãng bánh Bảo Minh, Bảo Phương. Đây là các loại bánh kiểu “cao lâu” nhân thập cẩm, ngũ vị có lá chanh, mỡ, muối, vừng lạc, hương hoa bưởi…

Do chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, thậm chí có tháng giảm nên giá nguyên vật liệu làm bánh không tăng hơn so với năm ngoái, giá bao bì đóng gói bánh cũng giảm từ 5-10%, nhờ đó giá bánh Trung Thu năm nay thấp hơn năm trước.

Ông Trịnh Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tràng An khẳng định: “Giá bán bánh Trung Thu năm nay thấp hơn năm ngoái từ 10-20%. Năm nay, kế hoạch sản xuất bánh Trung Thu của công ty tăng khoảng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, không sản xuất sớm như các hãng bánh khác, Tràng An chỉ sản xuất trong khoảng 3 tuần và dừng lại trước Tết Trung Thu khoảng 1 tuần để đảm bảo tiêu chí bánh tươi ngon”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục