Thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2016

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến sẽ đưa thị trường này vào hoạt động trong năm 2016 với công cụ đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu.
Thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2016 ảnh 1Hội thảo “Vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 42 về thị trường chứng khoán phái sinh (tháng 7/2015), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên dự kiến đưa thị trường này vào hoạt động trong năm 2016 với công cụ đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu. Các công cụ này theo kế hoạch sẽ được giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Như vậy, bên cạnh thị trường cơ sở, thị trường trái phiếu, Việt Nam sẽ có thêm thị trường phái sinh niêm yết.

Nhằm tạo “bước đệm” cho sự khởi đầu của thị trường, ngày 24/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam,” tại Hà Nội.

Sau 15 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thị trường có 829 mã cổ phiếu niêm yết giao dịch, tổng vốn hóa đạt trên 30% GDP, giá trị giao dịch mỗi phiên đạt trên 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng có những bước tăng trưởng tích cực, ba năm trở lại đây quy mô thị trường này đã lên tới 14% GDP, thanh khoản thường xuyên cũng đạt 2.000 tỷ đồng/phiên.

Trước thực tiễn đó, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, sự phát triển về lượng của thị trường chứng khoán trong một thời gian dài tất yếu đòi hỏi những thay đổi về chất, mà sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh chính là giải pháp quan trọng. Từ những sản phẩm cơ bản với những cấu trúc giản đơn, các nhà đầu tư có nhu cầu càng lớn về những công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như mong muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư với nhiều sản phẩm khác nhau.

“Đứng trước sự kỳ vọng đó, Nghị định 42 ra đời đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam,” ông Phương nói.

​Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực (BIDV), thị trường này sẽ góp phần tạo điều kiện và làm tăng thêm lượng vốn tích lũy, đầu tư trong nền kinh tế.

Về mặt kỹ thuật, thị trường chứng khoán phái sinh đi vào vận hành sẽ mở rộng các phương tiện thanh toán, qua đó góp phần hỗ trợ hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ và giao dịch tài chính.

​Ngoài ra, nó còn góp phần tạo dựng cơ chế tập trung và phân bổ các nguồn lực cũng như cơ chế chuyển đổi nguồn lực kinh tế theo thời gian, địa lý, ngành nghề. ​Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ như một kênh thông tin về giá cả thị trường đồng thời cung cấp cách thức đối phó với các vấn đề động cơ giữa các bên thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, ông Lực cũng chỉ ra những mặt trái mà thị trường chứng khoán phái sinh có thể mang lại. Trên lý thuyết, bản thân các công cụ phái sinh không sinh ra rủi ro, chúng chỉ đóng vai trò kênh phân phối và sàng lọc rủi ro. Do vậy, những rủi ro tiềm ẩn chỉ xuất phát từ việc sử dụng các công cụ này khi không đúng cách, như dùng nó làm công cụ đầu tư thao túng thị trường, rủi ro tín dụng do mất khả năng thanh toán, rủi ro do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm khi nhìn nhận về diễn biến thị trường cũng như việc lợi dụng thị trường như một công cụ để làm sai lệnh thông tin trên các báo cáo tài chính.

Tại Hội thảo, ông Đặng Tài An Trang, Phó chánh văn phòng Ủy ban Chứng khoán cũng đã giới thiệu về Dự thảo thông tư hướng dẫn Thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó, tổ chức được cấp phép kinh doanh chứng khoán phái sinh phải là tổ chức kinh doanh chứng khoán được cấp đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh và đáp ứng điều kiện vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên (đối với hoạt động tự doanh) và 800 tỷ đồng trở lên (đối với hoạt động môi giới).

Tham gia Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các ý kiến đóng góp về việc làm thế nào để vận hành hiệu quả thị trường trái phiếu phái sinh ở Việt Nam. Hầu hết các ý kiến cho rằng, trong việc tạo hàng hóa cơ quan quản lý cần phải thực hiện có lộ trình, ban đầu thử nghiệm các sản phẩm cơ bản như giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số, sau đó mới đến các loại giao dịch phức tạp hơn như hợp đồng quyền chọn chỉ số, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn các cổ phiếu đơn lẻ…

Bên cạnh đó, thị trường cần phải có một hành lang pháp lý hoàn thiện và minh bạch với cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại cũng như đội ngũ quản lý phải được trang bị đủ kiến thức và tính chuyên nghiệp…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục