Hà Nội náo nhiệt trước ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời

Năm nay, nguồn hàng hoa quả, thịt, rau củ quả… phục vụ mâm cỗ khá dồi dào với giá cả khá ổn định, không có biến động nhiều so với ngày thường.
Hà Nội náo nhiệt trước ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Chỉ còn ba ngày nữa là đến 23 tháng Chạp - ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, phố phường Hà Nội dường như đông vui náo nhiệt hơn hẳn.

Năm nay, nhiều gia đình ở Hà Nội làm lễ cúng theo phong tục tiễn ông Công ông Táo từ sớm (cuối tuần trước 18 tháng Chạp âm lịch) để thuận tiện trong công việc.

Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, Tết bắt đầu từ ngày tiễn ông Công, ông Táo lên trời, vì thế nhiều gia đình người Việt đã mua sắm mũ hài, vàng mã và không thể thiếu được cá chép làm phương tiện đưa ông Công, ông Táo chầu trời cùng mâm cơm cúng để cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an.

Mâm cỗ cúng tùy theo sự chuẩn bị của gia chủ, không nhất thiết phải cầu kỳ, nhưng trong lễ vật phải có áo mũ ông Công, ông Táo và những con cá chép khỏe mạnh.

Từ cuối tuần trước, nhiều gia đình đã lựa chọn cúng sớm để phù hợp với lịch trình cho công việc.

Chị Trần Thị Ngọc (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Năm nay Tết Táo quân rơi vào thứ Sáu, vợ chồng mình còn bận việc cơ quan, các con lại đi học nên không có thời gian thắp hương cúng lễ đúng ngày được. Tranh thủ ngày cuối tuần, gia đình mình quyết định làm lễ tiễn ông Táo sớm.”

Dạo quanh phố Hàng Mã, cả con phố rực rỡ sắc đỏ như át đi cái lạnh của những ngày giáp Tết. Cửa hàng nào cũng bày biện đủ các loại tiền vàng, mũ áo, cá chép, hương, nến... phục vụ cho ngày lễ. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thị trường ông Công, ông Táo năm nay không tăng so với mọi năm.

Anh Quân, một tiểu thương trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), chia sẻ một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy có giá khoảng từ 50.000-200.000 đồng/bộ tùy loại. Giá cả phụ thuộc nhiều vào mẫu mã, kích cỡ và chất lượng sản phẩm. Vài năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, thay vì mua những loại vàng mã đắt tiền, người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm có giá bình dân.

Bên cạnh mặt hàng truyền thống còn có nhiều loại hàng mã như với thiết kế phong phú theo đơn đặt hàng và theo mẫu mới của thị trường. Ngoài ra, các cửa hàng cũng bày bán hàng hóa như đèn lồng, dây tiền xu... để người dân chơi Tết.

Không chỉ ở các con phố lớn, thị trường vàng mã cũng nhộn nhịp tại các khu chợ hay những gánh hàng rong. Trên nhiều tuyến phố, những gánh hàng rong nho nhỏ bán đồ hàng mã cho Tết ông Công, ông Táo được nhiều người dân lựa chọn vì tiện lợi. Các khu chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Cầu Diễn… cũng bày bán la liệt quần áo, mũ, hài, cá chép, tiền, vàng thoi, hương... phục vụ cho ngày cúng Táo quân.

Năm nay, nguồn hàng hoa quả, thịt, rau củ quả… phục vụ mâm cỗ khá dồi dào. Giá cả khá ổn định, không có biến động nhiều so với ngày thường. Không khí rộn ràng, ồn ã cùng những sắc màu của lễ vật được bày bán tạo cảm giác như Tết đang đến thật gần.

Thị trường cá chép đa dạng chủng loại như cá chép hồng, vàng, ngũ sắc... được người dân quan tâm.

Các tiểu thương cho biết giá cá chép biến động từng ngày, nhưng nhìn chung một bộ cá gồm 3 con cá chép vàng nhỏ có giá từ 30.000-50.000 đồng, nếu to và đẹp thì có thể đắt hơn. Cá vàng nhỏ có giá rẻ hơn, từ 5.000-10.000 đồng/con, cá chép ngũ sắc 10.000-15.000 đồng/con./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục