Thị trường hàng hóa Tết: Linh hoạt, nắm bắt nhu cầu người dân

Trước dự báo sức mua không tăng dịp Tết, các doanh nghiệp cần linh hoạt, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng để đẩy mạnh bán hàng, kinh doanh.
Thị trường hàng hóa Tết: Linh hoạt, nắm bắt nhu cầu người dân ảnh 1Người dân đi mua sắm hàng tết tại siêu thị. (Nguồn: TTXVN)

Cứ mỗi độ Tết về, thị trường hàng hóa lại sôi động hơn. Trong một vài năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết dường như đang thay đổi, tuy nhiên cách thức cung ứng hàng Tết vẫn "đến hẹn lại lên" thông qua các kênh phân phối quen thuộc.

Các cụm từ "dự trữ", "bình ổn giá" thường xuyên được doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp sử dụng ngân sách) nhắc tới trong kế hoạch chuẩn bị Tết của mình. Nhiều người không khỏi băn khoăn: Liệu cơ chế cung ứng hàng hóa Tết có đang tương thích với sự thay đổi của thị trường?

Một điều dễ nhận thấy là cùng với việc thị trường hàng hóa ngày càng phong phú, phục vụ tới tận 30 Tết và mùng 2 Tết các chợ đã rục rịch bán hàng trở lại, người tiêu dùng đã giảm thói quen tích trữ hàng Tết để lâu ngày.

Hơn nữa, việc nghỉ lễ, Tết kéo dài trong những năm gần đây đã tạo ra xu hướng người dân đi du lịch, hoặc về quê ăn Tết. Có lẽ vì thế mà nhu cầu giao thông, du lịch dịp lễ Tết tăng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm không còn là mối quan tâm hàng đầu.

Năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã không kỳ vọng vào sức mua tăng vào thời điểm cuối năm. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food chia sẻ thông thường, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết phải căn cứ theo tình hình thị trường của các tháng trong năm, nhất là dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, năm nay sau khi tổng kết 11 tháng đầu năm 2014, Saigon Food nhận thấy dù đã tăng điểm bán hàng lên con số 50, hàng hóa phủ rộng khắp nhưng doanh số bán hàng có thể cũng chỉ bằng năm ngoái.

Chia sẻ kinh nghiệm trước những quan ngại của giới doanh nghiệp, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay mấy năm gần đây, người tiêu dùng đã chuyển dần sang xu hướng Tết nghỉ ngơi, ăn ngon mặc đẹp.

Hơn nữa, so với mọi năm Tết Ất Mùi năm 2015 đến muộn, thời tiết nhiều khả năng nóng, kỳ nghỉ kéo dài nên người dân sẽ tập trung chủ yếu vào vui chơi, du lịch. Đây là nguyên nhân khiến cho sức mua trên thị trường thời điểm trước Tết không cao. Với sức mua yếu, giá cả các mặt hàng sẽ có chiều hướng khá ổn định, có tăng cũng chỉ dao động trong mức 5-10%.

Trong một khảo sát gần đây với chủ đề "Định lượng sức mua vào dịp Tết 2015", hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết nhiều nhà bán lẻ trong quá trình khảo sát cho hay “Không nhận thấy sức mua sẽ tăng trong dịp Tết 2015”.

Hãng này cũng đã công bố chỉ có 13% các nhà bán lẻ cho rằng sức mua sẽ tăng so với Tết 2014, trong khi có tới 42% cho rằng bằng với năm ngoái và 45% nói sẽ ít hơn.

Sức mua yếu là vậy nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn kỳ vọng vào một mùa Tết Nguyên Đán khả quan. Vì thế, tại không ít cuộc họp chỉ đạo thông tin, mục tiêu đề ra cho thị trường Tết năm nay là phải tăng nguồn hàng dự trữ để tránh khan hàng, sốt giá. Phải chăng cơ chế đã không còn theo kịp với thị trường và ngày càng thể hiện những bất hợp lý gây sức ép cho chính các doanh nghiệp trên sân nhà?

Phát biểu tại một cuộc họp chỉ đạo mới đây của Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội nhấn mạnhTết Nguyên đán là dịp để doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động hàng hóa tăng từ 10-15% so với các năm trước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng.

Đến thời điểm tháng 12/2014, tại Hà Nội, tổng trị giá tiền hàng hóa dự trữ đã lên tới 276,75 tỷ đồng; chưa kể hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn như: Metro, Big C, Co.op mart, Fivimarrt, Hapro, Ocean mart… dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng trên 2.300 tỷ đồng.

Cùng đó, tại thành phố Hồ Chí Minh dù đã bước sang năm thứ 2 không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp nhưng tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849,4 tỷ đồng, tăng 8.267,7 tỷ đồng so với Tết Giáp Ngọ 2014.

Tuy nhiên, siêu thị cũng như các điểm bình ổn giá chỉ là một trong rất nhiều kênh phân phối về hàng Tết. Nói đến Tết, mối quan tâm hơn cả của người tiêu dùng (chủ yếu là giới tiêu dùng trẻ) hiện nay không chỉ là chất lượng, sản phẩm mà còn là chủng loại hàng hóa thích hợp. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống là những sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn "sạch, ngon và lạ"!...

Rõ ràng, Tết vẫn là cơ hội bán hàng lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn có hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc vào khả năng linh hoạt, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng của nhà sản xuất và phân phối. Không có thị trường Tết "nguội", chỉ có doanh nghiệp có khả năng bắt mạch đúng "điểm nóng" của thị trường hay không mà thôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục