Thị trường hoảng loạn, VN-Index rơi tự do mất hơn 16 điểm

Ngày 18/1, thị trường chứng khoán chào tuần mới với tâm lý hoảng loạn. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa trượt dốc, mất liền 16,67 điểm đồng thời HNX-Index để rơi 2,13 điểm.
Thị trường hoảng loạn, VN-Index rơi tự do mất hơn 16 điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ngày 18/1, thị trường chứng khoán chào tuần mới với tâm lý hoảng loạn. Hơn 3.000 tỷ đồng đổ vào thị trường song không thấm vào đâu trước áp lực bán tháo. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa trượt dốc, mất liền 16,67 điểm đồng thời HNX-Index để rơi 2,13 điểm.

Trên sàn HoSE đầu giờ sáng, ngay lực cung giá rẻ ồ ạt đổ về thị trường, chỉ số VN-Index trong đợt 1 giảm 16,67 điểm, xuống mức 526,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 5,9 triệu đơn vị, giá trị tương ứng gần 98 tỷ đồng.

Đợt giao dịch liên tục, sắc đỏ nhanh chóng lan ra khắp bảng điện tử. Lực cầu tích lũy xuất hiện, thanh khoản đạt trên 2.400 tỷ đồng song áp lực cung không vì thế mà thuyên giảm.

Ngày hôm nay, các nhóm ngành đều ở trong tình trạng giảm giá, cụ thể nhóm chế biến thủy sản giảm gần 8%, ngân hàng giảm 4,66%, bảo hiểm và chứng khoán cùng giảm trên 3,8%.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các mã BVH, VCB, CTG… cũng đồng loạt xuống giá, trong đó hai mã GAS, BID bị đẩy bán với mức giá sàn, tương ứng 31.900 đồng/cổ phiếu và 16.600 đồng/cổ phiếu.

Phiên giao dịch đầu tuần, hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á đều chìm trong sắc đỏ, do chịu tác động từ làn sóng bán tháo cổ phiếu từ cuối tuần trước tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones  và S&P 500 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014, cộng thêm áp lực lao dốc của giá dầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 trở lại đây.

Tương tự, đà điều chỉnh cũng nhanh chóng lan rộng sang thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 530 điểm ngay trong đợt đầu mở cửa và lùi sâu xuống sát mốc 520 điểm. Tuy nhiên sau đó, lực cầu bắt đáy đã hình thành và đẩy VN-Index đóng cửa quanh mốc 525 điểm với mức giảm 3,07%.

Số mã giảm điểm trên toàn thị trường hoàn toàn áp đảo (395/689 mã, trong đó có tới 90 mã giảm sàn) do tâm lý hoảng loạn dâng cao.

Theo ông Đỗ Quan Hợp, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán SHS chỉ ra, mặc dù thị trường giảm sâu, tuy nhiên lực cầu bắt đáy vẫn khá e dè và chỉ chấp nhận mua ở vùng giá thấp trong khi người cầm cổ đẩy mạnh việc bán ra bằng mọi giá. Điều này khiến thanh khoản tăng mạnh về cuối phiên nhưng thị trường không có sự cải thiện nhiều về điểm số.

Phân tích kỹ thuật, ông Hợp chỉ ra, sau bốn phiên điều chỉnh giảm điểm liên tiếp, VN-Index đang tiệm cận vùng hỗ trợ 520 điểm – 525 điểm. Trong quá khứ, chỉ số này thường có diễn biến bật tăng tích cực mỗi khi giảm xuống sát vùng hỗ trợ này (với mức tăng từ 15%– 20% tính từ vùng đáy).

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, ông Hợp lại khuyến cáo, nếu quyết định bắt đáy tại vùng giá hiện tại, nhà đầu tư cần phải lưu ý các rủi ro đang hiện hữu tác động trực tiếp lên biến động của thị trường, (bao gồm: diễn biến điều chỉnh giảm liên tiếp của giá dầu do lo ngại tình trạng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc trong khi tình trạng thừa cung đang có diễn biến trầm trọng hơn. Xu hướng rút vốn khỏi các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu lan rộng ra khắp các thị trường lớn hơn không chỉ tại các thị trường mới nổi trong khi các quỹ trái phiếu chính phủ Mỹ ở tất cả các kỳ hạn đều nhận được vốn lớn; Lãi suất tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu vốn cuối năm…)

Một giám đốc tại quỹ đầu tư lại cho rằng, bên cạnh sự hoảng loạn về tâm lý thì áp lực giải chấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao dốc trong phiên hôm nay. Bên cạnh đó, vị giám đốc đốc này cũng có cái nhìn khá bình tĩnh và cho rằng đây là cơ hội mua vào khi mà giá của hầu hết các loại cổ phiếu đang lùi về mức hợp lý hơn.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 16,67 điểm (-3,07%) và xuống mức 526,37 điểm. Thanh khoản đạt 164 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 2.581 tỷ đồng.

Chỉ số VN30 chốt phiên giảm 14,58 điểm (-2,62%) và xuống mức 541,18 điểm. Khối lượng chứng khoán chuyển nhượng đạt 74 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.331 tỷ đồng.

Tương tự bên phía sàn Hà Nội, chốt phiên chỉ số HNX-Index giảm 2,13 điểm (-2,82%) và xuống mức 73,26 điểm. Thanh khoản đạt gần 63 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 526 tỷ đồng.

Chỉ số HNX30 đóng cửa giảm 4,79 điểm (-3,66%) và xuống mức 126,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 31 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 260 tỷ đồng.

Chỉ số UpCoM-Index đóng cửa giảm 1,08 điểm và xuống mức 47,68 điểm (-2,22%). Khối lượng giao dịch gần 4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khoảng 48 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục