Thị trường vang Pháp “dậy sóng” vì hai thương hiệu

Hai thương hiệu rượu vang Pháp nổi tiếng thế giới, Chateau Latour và Chateau Lafite, vừa công bố chiến lược mới hoàn toàn trái ngược.
Hai thương hiệu rượu vang Pháp nổi tiếng thế giới, đồng thời cũng là đối thủ của nhau là Chateau Latour và Chateau Lafite, vừa công bố chiến lược thị trường mới hoàn toàn trái ngược nhau, khi một bên rút khỏi thị trường hợp đồng giao sau còn bên kia thì tiếp tục ủng hộ hình thức kinh doanh kiểu này và quyết định giảm giá bán rượu.

Đối với Chateau Latour, trong thư gửi các nhà môi giới, hãng đã xác nhận rằng thương hiệu rượu vang này sẽ rút khỏi thị trường giao sau (thị trường mà khách hàng sẽ đặt mua rượu khi rượu còn trong hầm ủ), như là một phần quan trọng của chiến lược thương mại khu vực. Điều này khiến nhiều người lo ngại Chateau Latour sẽ cố gắng bán rượu trực tiếp cho khách hàng chứ không còn thông qua giới trung gian hoặc các nhà buôn.

Một số nhà giao dịch đã bày tỏ thất vọng sau quyết định trên, động thái có thể báo trước về sự sụt giảm vai trò của giới trung gian trên các thị trường rượu vang.

Chateau Latour hiện là thương hiệu rượu vang nổi tiếng thuộc sở hữu của tỷ phú người Pháp Francois Pinault, người cũng sở hữu nhà đấu giá Christie, thương hiệu Gucci và khu nghỉ mát trượt tuyết Vail ở Mỹ. Giám đốc Latour, Frederic Engerer khẳng định, lô rượu vang nho 2011 sẽ được bán lần cuối theo hình thức hợp đồng hàng hóa giao sau. Lý lẽ mà ông Engerer đưa ra là hiện nay rượu vang Latour thường được sử dụng trong tình trạng “non.”

Do nhu cầu tiêu thụ rượu vang ngày càng lớn nên quy trình sản xuất rượu hiện nay chưa tương xứng với quy trình thương mại, hay nói một cách đơn giản, Latour muốn rút khỏi thị trường rượu giao sau để tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm rượu vang của mình, tránh tình trạng “rượu ép” khi thời gian ủ chưa đủ lâu.

Barbara Hermann, một người phân phối cho hãng bán lẻ Binny (Mỹ), cho rằng “việc rút khỏi hệ thống giao sau và thiết lập mạng lưới phân phối riêng của mình sẽ giúp Latour có thể kiểm soát người mua rượu vang của mình tốt hơn, ít nhất là ở thị trường Mỹ."

Ngược lại, Chateau Lafite lại ủng hộ mạnh mẽ hệ thống hợp đồng rượu kỳ hạn , đồng thời quyết định giảm giá mạnh dòng rượu nho 2011 còn đóng thùng, nhằm thúc đẩy doanh số bán tại thị trường mà một số người đánh giá là đắt đỏ này. Như vậy, mức giá mới đối với vang nho của Chateau Lafite là 350 euro/chai, giảm 50% so với mức giá trung bình của lô hàng năm 2010. Qua môi giới và các nhà giao dịch thì mức giá đến tay người dùng là 420-450 euro/chai.

Bordeaux, kinh đô rượu vang của Pháp có truyền thống bán các loại rượu vang hảo hạng của mình dưới dạng hợp đồng hàng hóa tương lai sau khi lễ hội nếm và thử rượu được tổ chứ c vào mùa Xuân hàng năm. Trên thực tế, giới thương nhân năm nay muốn giá rượu vang Pháp thấp hơn để thu hút khách hàng từ Mỹ và châu Âu, cũng như để trấn an các nhà đầu tư Trung Quốc rằng rượu vang Bordeaux hoàn toàn có thể “hái ra tiền.”

Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của thành phố Bordeaux, song Trung Quốc lại là một thị trường rất “khó tính” đối với thị trường rượu giao sau . Trung Quốc chỉ bắt đầu tham gia thị trường này vào năm 2011, với hy vọng có thể gặt hái được những khoản lợi nhuận nhanh chóng khi giá rượu giảm.

Bất kỳ động thái hay sự thay đổi nào trong chiến lược kinh doanh rượu vang tại Pháp đều có thể tạo ra những “cơn sóng ngầm” trên thị trường, nhất là khi các thương hiệu rượu chủ chốt như Lafite, Latour Margaux, Haut Brion, Mouton, Latour lâu nay luôn tự xây dựng các hướng đi và cấu trúc giá trong suốt chiến dịch bán hàng của mình.

Thông thường, giới m ôi giới rượu vang Bordeaux kiếm được 2% lợi nhuận trên mỗi giao dịch, trong khi các nhà giao dịch trực tiếp thường kiếm được từ 12-15% lợi nhuận . Một nhà giao dịch rượu vang tính toán rằng các nhà môi giới sẽ bị thiệt hại ít nhất là 2 triệu euro.

Tại những thị trường mới nổi như Trung Quốc, nơi vẫn chưa chuộng hệ thống rượu giao sau, thì tác động đối với giới trung gian dù sao cũng còn hạn chế, song tại nhiều thị trường tiêu thụ rượu vang Pháp truyền thống, thì vai trò của các nhà giao dịch từ hàng thế kỷ qua là khá quan trọng, nhằm phân phối sản phẩm rượu vang tốt nhất tới người tiêu dùng.

Với chiến dịch bán hàng năm 2012 đã bắt đầu khởi động, các thương nhân lo ngại rằng sự thay đổi chiến lược kinh doanh của Latour chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn trên thị trường.

Ngoài ra, còn có lo ngại rằng quyết định của Latour có thể châm ngòi cho một chiến lược thay đổi kinh doanh rộng hơn. Nếu Latour thành công, những thương hiệu rượu vang Pháp có thể sẽ tiếp bước và sau đó sẽ là “hồi chuông báo tử” cho thị trường rượu giao sau./.

Quỳnh Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục