Thị trường vốn: Lành mạnh hóa để mời gọi đầu tư

Mặc dù thanh khoản đã được cải thiện và tăng gấp 6 lần sau 5 năm, nhưng thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn thiếu tính hấp dẫn.
Mặc dù thanh khoản đã được cải thiện và tăng gấp 6 lần sau 5 năm, nhưng thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn thiếu tính hấp dẫn.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo về Thị trường vốn do Bộ Tài chính và Tổ chức Euromoney tổ chức ngày 30/11 ở Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, chính phủ luôn mong muốn xây dựng một thị trường vốn minh bạch, với một khuôn khổ pháp lý rõ ràng nhằm đưa thị trường trái phiếu trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.


Thách thức là kỳ vọng của người dân

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, cho rằng thách thức lớn nhất của chính phủ Việt Nam hiện nay là phải kiểm soát được kỳ vọng của người dân vào nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, nếu như người dân tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế thì họ mới yên tâm đầu tư, còn nếu không, phản ứng sẽ là tiêu cực. “Có một thực tế là người dân Việt Nam hình như quá kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế. Ở các nước phát triển, nếu tăng trưởng đến 5% là đã thấy tuyệt vời lắm rồi. Nhưng ở Việt Nam, hình như người dân vẫn chưa quen với việc tăng trưởng dưới con số này,”  ông Ayumi Konishi nói. Ông cũng đưa ra dẫn chứng, những biến động về giá vàng và giá đôla Mỹ trên thị trường tự do vừa qua cũng phản ánh sự kỳ vọng của người dân và sự chênh lệch nhận thức về thị trường và thực tế. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra tuyên bố và các biện pháp can thiệp tức thời, thị trường đã ngay lập tức đi vào dần ổn định. Đồng tình với quan điểm này, nhiều diễn giả và chuyên gia tham dự hội thảo cũng đã đánh giá cao những chính sách của chính phủ thực hiện trong thời gian qua đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đi đúng hướng nhằm duy trì phát triển kinh tế một cách ổn định và bền vững. Một loạt những biện pháp về tài chính, tiền tệ như các gói hỗ trợ lãi suất, kích cầu... nếu xét về tổng thể đã thực sự thúc đẩy được nền kinh tế vượt qua cơn bão khủng hoảng toàn cầu và lấy lại được đà tăng trưởng, trong đó có thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh và tăng trưởng trở lại. Việc phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tín dụng ngân hàng đã “bơm” vốn tích cực cho các dự án đầu tư... Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc nền kinh tế đã có dấu hiệu tăng trưởng không có nghĩa là đã hết rủi ro. Thách thức trước mắt là kiểm soát việc bơm vốn tín dụng ra cho nền kinh tế, việc giải ngân thực của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như việc cân đối giữ cung-cầu thị trường trong nước. “Nếu phải đưa ra một chỉ số, tôi quan tâm đến chỉ số giải ngân FDI. Bởi, con số cam kết thường là rất đẹp, nhưng số vốn thực mà các công ty đã giải ngân, đưa vào nền kinh tế mới là điều quan trọng,” ông Ayumi Konishi cho hay. Cân bằng lợi ích quốc gia và doanh nghiệp Phát biểu tại hội thảo, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều mong muốn một sự cam kết từ phía chính phủ trong việc phát triển minh bạch thị trường vốn, với một khuôn khổ pháp lý rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. Thị trường trái phiếu của Việt Nam, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Trái phiếu, cho biết vẫn còn quá manh mún trong khi tình hình thanh khoản lại chưa cao. “Việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam làm cho giá trái phiếu cao hơn, thanh khoản thấp hơn. Đối tượng tham gia thị trường chủ yếu vẫn là các ngân hàng và công ty bảo hiểm,” ông Quỳnh nói. Năm 2009 cũng là năm tỷ lệ phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp chưa cao. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp lại tăng trưởng mạnh. Nếu như các năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp thường chỉ chiếm 4% so với tổng lượng trái phiếu chính phủ, nhưng riêng năm nay đã chiếm đến hơn 50% tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thiện Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) cho hay, việc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng cao thứ nhất là xuất phát từ nhu cầu đầu tư thực sự của bản thân các doanh nghiệp. Thứ hai là do yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ cho vay trung-dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn (từ 40% xuống còn 30%) nên việc cung ứng nguồn vốn tín dụng trung-dài hạn bị giảm đi rất lớn. Mặt khác, việc duy trì lãi suất cơ bản 7% cho đến thời điểm cuối tháng 11/2009 cũng làm cho hiệu quả của tín dụng không được như mong muốn của các ngân hàng. Thứ ba là tỷ lệ phát triển tín dụng cho các tổ chức tín dụng chỉ ở mức 25% trong năm 2009 (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước) cũng khiến cho các ngân hàng ít có cơ hội làm tín dụng trung-dài hạn nữa... “Đây chính là những yếu tố rất quan trọng đẩy trái phiếu doangh nghiệp phát hành cao hơn trong thời gian qua.” ông Bảo nhận định. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận, lãi suất trái phiếu chính phủ chưa thực sự phản ánh được thị trường cũng như đối tượng tham gia chủ yếu vẫn là các ngân hàng... cũng là những hạn chế của thị trường trái phiếu Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tuy cũng đã bước đầu đi vào quỹ đạo, nhưng quy mô thị trường vẫn còn nhỏ bé. Hiện nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 415 công ty niêm yết, 105 công ty chứng khoán, 362 quỹ đầu tư nước ngoài, 8 ngân hàng tham gia lưu ký và 730.000 tài khoản giao dịch... Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cũng cho biết: Bộ đang gấp rút hoàn thành đề án đưa trái phiếu chính phủ lên giao dịch tại sàn Hà Nội. Hiện tại, việc giao dịch đang thực hiện thí điểm (từ tháng 9/2009), với hơn 500 mã trái phiếu chính phủ đang được mua bán.
Hội thảo Thị trường vốn và Tài chính Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Euromoney tổ chức, thu hút dông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong nước và quốc tế tham dự.

Với chủ đề “Gượng dậy và Phục hồi”, hội thảo năm nay tập trung vào thảo luận về 5 nhóm vấn đề chính, bao gồm: Triển vọng kinh tế chung, thị trường nợ, cải cách ngành tài chính và ngân hàng, các mô hình đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng và thị trường vốn cổ phiếu – đầu tư theo danh mục.
Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục