Thiết lập cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc đấu giá tài sản

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có tài sản Nhà nước.
Thiết lập cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc đấu giá tài sản ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thúy Hoàng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đấu giá tài sản nêu rõ đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Năm 1989, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh thi hành án dân sự, trong đó có một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án.

Năm 1996, trên cơ sở quy định về bán đấu giá tài sản của Bộ luật Dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/1996/CP ngày 19/12/1996 về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản, từ đó hoạt động đấu giá được hình thành và từng bước phát triển thành dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp.

Hình thức bán đấu giá tài sản được quy định tại nhiều văn bản luật và chủ yếu áp dụng đối với tài sản Nhà nước, tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính... nhằm bảo đảm cho việc xử lý các tài sản này được công khai, minh bạch, khách quan, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản.

Để góp phần thống nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân về dịch vụ bán đấu giá tài sản, trên cơ sở các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, Quốc hội đã ban hành Luật thương mại quy định việc bán đấu giá tài sản của thương nhân.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về lĩnh vực này, trong đó gần đây nhất là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 về bán đấu giá tài sản. Sau bốn năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là đấu giá tài sản Nhà nước.

Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá đối với tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người mua được tài sản đấu giá ngay tình chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá.

Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Doanh nghiệp đấu giá đã có sự phát triển đáng kể về số lượng nhưng tổ chức và hoạt động còn chưa chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém. Số trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tự chủ về kinh phí hoạt động còn chưa nhiều; một số trung tâm hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước...

Nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhất là trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thì việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực này theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới là rất cần thiết. Dự thảo Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 78 điều.

Đánh giá về dự án Luật Đấu giá tài sản, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Chiều nay (4/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Báo chí (sửa đổi); thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục