Thịt gia cầm gây căng thẳng thương mại EU-Mỹ

Ngày 16/1, chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ gửi đơn kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối việc EU đưa ra các biện pháp hạn chế đối với các sản phẩm thịt gia cầm của Mỹ được xử lý bằng clo trong quá trình tẩy rửa để tránh nhiễm khuẩn. Việc làm này khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) lại gia tăng.

Ngày 16/1, chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ gửi đơn kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối việc EU đưa ra các biện pháp hạn chế đối với các sản phẩm thịt gia cầm của Mỹ được xử lý bằng clo trong quá trình tẩy rửa để tránh nhiễm khuẩn. Việc làm này khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) lại gia tăng.

Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab tuyên bố Washington sẽ đề nghị Ủy ban giải quyết tranh chấp thương mại WTO điều tra về lệnh cấm trên của EU đối với sản phẩm thịt gia cầm được xử lý bằng một loại hóa chất nhằm giảm thiểu nguy cơ gây bệnh từ thực phẩm.

Theo bà Susan Schwab, việc xử lý các sản phẩm gia cầm bằng hóa chất an toàn đã được áp dụng rộng rãi tại Mỹ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học của EU cho rằng các hóa chất xử lý thực phẩm này không những không an toàn mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Biện pháp xử lý này bị cấm trên toàn EU.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) về các vấn đề thương mại, ông Peter Power khẳng định EC lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ đưa vấn đề này ra WTO. EC sẽ nghiên cứu cẩn thận những khiếu nại của Mỹ và cùng tham gia điều tra với Ủy ban điều tra của WTO một cách thiện ý.

Tranh cãi thương mại giữa Mỹ và EU về vấn đề xử lý thịt gia cầm của Mỹ đã kéo dài hơn 11 năm qua. Tháng 5/2008, Ủy viên phụ trách Công nghiệp EU Guenter Verheugen đã đề nghị xóa bỏ lệnh cấm đối với thịt gia cầm của Mỹ theo một số điều kiện nhất định như dán nhãn đặc biệt xác nhận quá trình xử lý và đảm bảo thịt đã được làm sạch.

Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa thuyết phục được các bác sĩ thú y, các chính phủ EU cũng như Nghị viện châu Âu và cuối cùng các bộ trưởng nông nghiệp EU tháng 12/2008 đã bác bỏ việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với thịt gia cầm Mỹ.

Trước đó một ngày, Washington đã công bố áp đặt các mức thuế mới đối với các thực phẩm nhập khẩu từ EU trong cuộc tranh cãi thương mại kéo dài giữa hai bên. Theo quyết định mới, loại pho mát Roquefort của Pháp bị tăng thuế gấp 3 lần, từ 100% lên 300%.

Ngoài ra, những loại hàng hóa khác như nước khoáng, xúc xích, yến mạch,... bị đánh thuế 100%. Các mức thuế mới này bắt đầu được áp dụng từ ngày 23/3 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục