Thợ bậc 7 lương vẫn thấp hơn công nhân

Thợ bậc 7 lương vẫn thấp hơn công nhân

Một cầu thủ nội với khả năng chuyên môn và không thể thiếu trong đội hình nhưng vẫn phải nhận lương thấp hơn cầu thủ ngoại dự bị.
Một cầu thủ nội với khả năng chuyên môn có hạng và gần như không thể thiếu trong đội hình nhưng vẫn phải nhận lương thấp hơn cầu thủ ngoại chỉ ngồi trên ghế dự bị.

Tình trạng này quá phổ biến tới độ được coi là chuyện mặc nhiên ở làng bóng đá Việt Nam.
 
Công Vinh ở T&T HN, nhận 40 triệu đồng/tháng. Hồng Sơn thấp hơn, với 30 triệu đồng/tháng. Nó sẽ chỉ bằng 1/3 thù lao mà những Cristiano, Cassiano nhận được ở mùa giải 2008 hay Agostinho, Francois Endene ở giai đoạn 2 V-League 2009.
 
Nhưng Công Vinh, mấy vòng rồi hết ghi 4 bàn trong 1 trận lại một mình phá lưới đối phương, trong khi Agostinho chưa có bàn nào, kể từ khi cập bến T&T HN, còn Endene mới chỉ 1 lần lập công, ở giai đoạn 2.
 
Ở Becamex Bình Dương, Vũ Phong được xem là cầu thủ có đóng góp nhiều nhất, cho nhà vô địch Việt Nam, trên mọi đấu trường, ở mùa giải năm nay. Nhưng với mức lương trên dưới 30 triệu đồng/tháng, cũng chỉ bằng 1/3 so với Mbabazi hay Helio nhận được. Cao như Thế Anh, Như Thành, Trường Giang (ngót 40 triệu đồng/tháng), cũng chưa chắc bằng một nửa so với các ngoại binh như Kesley hay Philani (6.000USD/tháng) ở đội bóng đất Thủ.
 
Tại Ximăng Hải Phòng, nếu đem so sánh mức lương 26 - 30 triệu đồng/tháng của những Ngọc Thanh, Minh Châu…, với 10.000 USD/tháng của Martins Trindade hồi đầu mùa, thì chẳng thấm vào đâu. Martins Trindade đã bị thanh lý hợp đồng, sau khi các bác sĩ xác nhận rằng chấn thương mà tiền đạo này mắc phải, không có khả năng hồi phục.
 
Với các đội bóng còn nặng tính bao cấp như Sông Lam Nghệ An hay Mikado Nam Định, thì mức chênh lệch còn lớn hơn nhiều. Vào thời điểm này, ở Thanh Hóa, những công thần cỡ Đình Tùng, người đã ghi 8 bàn thắng cho đội bóng này, cũng chỉ nhận hơn 10 triệu đồng/tháng, mức lương loại 1 cho cầu thủ ở xứ Thanh.

Nhưng ngoại binh của họ, với các cái tên như Andermatten Rogelio (mới có 4 bàn thắng) hay Egbo Osita, hầu như chưa có đóng góp đáng kể nào, thì quỹ lương cho họ vẫn phải gấp đến 4 - 5 lần so với Tùng “con”. Và điểm qua các đội khác, tình trạng cũng thế.
 
Hàng loạt những ví dụ, để thấy rằng ngay cả những ngôi sao hàng đầu của làng bóng đá Việt, với sức lao động và hiệu quả đóng góp cao hơn gấp nhiều lần các ngoại binh cùng câu lạc bộ, thì khoản lương thưởng cũng khó thể sánh với các anh Tây đá bóng ở xứ ta. Sự mất cân đối rất rõ, giữa thu nhập của cầu thủ nội và ngoại. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó lại là sự thật. Một lối tư duy kiểu cũ, khi cứ Tây là phải lương cao, thưởng nhiều?!
 
Thực ra, nói đi cũng cần nói lại. Rằng để sở hữu một cầu thủ ngoại bây giờ, giá chuyển nhượng chỉ vào khoảng 40 - 65.000 USD/mùa giải. Quy ra VND, thì chưa đến 1 tỷ đồng/năm. Và để tránh những rủi ro trong vấn đề sử dụng cầu thủ ngoại, rất thường xuyên câu lạc bộ chỉ ký ngắn hạn năm một, hoặc nhiều nhất cũng chỉ 2 mùa.
 
Nhưng để có được những Công Vinh, Hồng Sơn, Huy Hoàng hay Vũ Phong, thì phải mất cả từ hơn 1 - 2 tỷ đồng/năm. Tức là vấn đề ở đây cũng nằm cả ở trong chi tiết đầu tư và chi phí: tiền cố định và ban đầu cho cầu thủ Việt Nam lớn hơn còn tiền lương hằng tháng cho cầu thủ Tây lại cao hơn, nên đôi khi cũng tạo ra sự công bằng.
 
Nhưng chỉ đôi khi thôi chứ không phải tất cả. Ví dụ như Đình Tùng ở Thanh Hóa, đã bao giờ cầu thủ 20 tuổi này nhận được cái gọi là tiền lót tay trong khi tiền lương như đã nói chỉ bằng 1/4 hay 1/5 của cầu thủ ngoại. Hay Đinh Thành Trung ở Hòa Phát Hà Nội nhận lương chỉ bằng 1/3 của Ronald Martin nhưng đá hay và hiệu quả hơn.
 
Ở Thể Công, Phước Tứ được lót tay 750 triệu/năm cũng không bằng De Oliveira đá nửa mùa cũng gần cỡ đó và lương của Tứ thì chỉ bằng 1 phần nhỏ.

Mà ai dám bảo, các cầu thủ nội không bị cho ra đường một khi vô dụng./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục