Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp sau đảo chính

Căn cứ tình hình đất nước, ngày 28/9, Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp, được áp dụng ở nước này kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp sau đảo chính ảnh 1Binh sỹ đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ được tăng cường an ninh tại Quảng trường Taksim ở Istanbul ngày 21/7 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Căn cứ tình hình đất nước, ngày 28/9, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp, được áp dụng tại nước này kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua.

NSC khuyến nghị chính phủ nên gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp, dự kiến hết hiệu lực vào tháng cuối 10 tới, nhằm bảo đảm hiệu quả của các biện pháp bảo vệ nhân quyền và tự do của công dân, dựa trên pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tiêu chí dân chủ.

Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài tối đa 6 tháng. NSC cũng đồng thời đề nghị lấy ngày 15/7 hàng năm làm Ngày Dân chủ và tự do tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau vụ đảo chính bất thành, ngày 20/7 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trong ba tháng.

Cùng ngày 28/9, Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắt giữ 7 nhân viên ngoại giao nước này, tình nghi dính líu tới phong trào Hồi giáo Fethullah Gulen của giáo sỹ cùng tên Thổ Nhĩ Kỳ hiện sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong số các nghi phạm kể trên có cả cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Burkina Faso Aydin Sefa Akay.

Cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến 246 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.

Tính đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thẩm vấn 70.000 người, tạm giam 32.000 để phục vụ công tác điều tra, sa thải hơn 81.000 nhân viên, trong đó có gần 100 nhân viên ngành ngoại giao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục