Thổ Nhĩ Kỳ ra biện pháp kích thích tăng trưởng trước thềm bầu cử

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vừa thông báo một loạt biện pháp trị giá 7,5 tỷ lira Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kích thích tăng trưởng, mở rộng thị trường việc làm trước thềm bầu cử.
Thổ Nhĩ Kỳ ra biện pháp kích thích tăng trưởng trước thềm bầu cử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: canartammotorsportacademy.com)

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vừa thông báo một loạt biện pháp trị giá 7,5 tỷ lira Thổ Nhĩ Kỳ (1 USD tương đương 2,573 lira) nhằm kích thích tăng trưởng, mở rộng thị trường việc làm trước thời điểm diễn ra bầu cử Quốc hội vào tháng Sáu tới.

Theo ông Davutoglu, biện pháp này bao gồm việc hỗ trợ đào tạo nghề, những ưu đãi thuế cho chủ sử dụng lao động nhằm tạo thêm 120.000 việc làm và tăng lương hưu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo được 1,4 triệu việc làm mới trong năm 2014. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt mục tiêu 4% trong năm nay.

Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là chuyển đổi sang công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và tạo công ăn việc làm, nhất là trong các lĩnh vực công ích.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chứng minh rằng các nền kinh tế có ngành công nghiệp phát triển cùng với khả năng tạo việc làm có thể dễ dàng vượt qua khủng hoảng hơn là những nền kinh tế chỉ dựa vào lĩnh vực dịch vụ.

Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với việc phát triển công nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trong số các ngành công nghiệp nhập khẩu nhiều nhất, năng lượng đứng đầu với dầu thô, khí đốt tự nhiên, các sản phẩm về xăng dầu và than... Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2014, Thổ Nhĩ Kỳ tiêu tốn 52,5 tỷ USD vào nhập khẩu năng lượng.

Giao dịch thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh tế thế giới cũng đã tăng đến 33% chỉ trong năm năm qua, từ 300 tỷ USD lên đến 400 tỷ USD. Ngoại thương đóng góp 41% thu nhập quốc gia và trong năm 2014 đã tăng lên 50%.

Trong năm năm trở lại đây, mức tăng trưởng xuất khẩu thường niên trung bình của Thổ Nhĩ Kỳ là 9% còn nhập khẩu là 12.

Xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đóng góp 18,2% và 30% vào tổng thu nhập quốc gia. Song điều này cũng dẫn tới việc thâm hụt ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào mức tương đối cao, khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trở nên "mong manh" khỉ chỉ số thâm hụt thương mại ngày càng tăng không thể được lấp đầy với dòng ngoại tệ đổ vào từ các ngành dịch vụ, du lịch ...

Sức ép gia tăng lên Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có những biện pháp phục hồi kinh tế sau khi GDP bị giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và chỉ số niềm tin vào nền kinh tế đi xuống. Các biện pháp vừa được công bố nói trên hy vọng hỗ trợ sản xuất và việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hoạt động chế tạo với sự trợ giúp của ngân hàng phát triển Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục