Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện để nối lại quan hệ với Israel

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: "Chừng nào Israel chưa dỡ bỏ sự phong tỏa đối với Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ không thể nối lại quan hệ với Israel."
Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện để nối lại quan hệ với Israel ảnh 1Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trái ngược với thông tin mới đây về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sắp đạt được thỏa thuận nối lại quan hệ, truyền thông Israel ngày 12/2 dẫn lời Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nhắc lại quan điểm của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng bất kỳ thỏa thuận hòa giải nào giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào cam kết của Israel về dỡ bỏ sự phong tỏa đối với Dải Gaza do Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát.

Ông Erdogan cho biết đàm phán chưa kết thúc về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ binh sỹ Israel tấn công đội tàu trở hàng cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5/12010.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: "Chừng nào Israel chưa dỡ bỏ sự phong tỏa đối với Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ không thể nối lại quan hệ với Israel."

Tuyên bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ khi chỉ trước đó hai ngày, Ngoại trưởng nước này, ông Ahmet Davutoglu thông báo hai nước sắp chấm dứt tranh cãi về sự kiện nói trên, sau khi xóa bỏ được hầu hết những bất đồng trong các cuộc đàm phán gần đây.

Ông Davutoglu khẳng định hai nước đang trong giai đoạn "gần nhất với việc bình thường hóa quan hệ."

Hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu cũng đã tới Israel để thảo luận về các điều khoản của thỏa thuận hòa giải nhằm giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và nước đồng minh Hồi giáo từng một thời thân cận nhất này.

Sự kiện các binh sỹ Israel giết hại chín người Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu Mavi Marmara đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đẩy mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước tới cuộc khủng hoảng ngoại giao, với việc Ankara trục xuất đại sứ Israel và yêu cầu xin lỗi và bồi thường.

Đàm phán về bồi thường được khởi động tháng 3/2013 sau khi Israel đưa ra lời xin lỗi chính thức sau một bước đột phá ngoại giao do Tổng thống Mỹ Barack Obama làm trung gian nhân chuyến thăm Israel.

Số tiền bồi thường và tính pháp lý của thỏa thuận cuối cùng được cho là mấu chốt trong các cuộc thương lượng, song hai bên dường như đang thu hẹp được những bất đồng.

Truyền thông Israel cho biết Israel đã đề nghị bồi thường 20 triệu USD cho các gia đình nạn nhân bị giết hại và bị thương trong vụ đột kích đội tàu cứu trợ nói trên, trong khi các nguồn tin phương Tây cho rằng Ankara đòi bồi thường 30 triệu USD.

Một trong những động lực khiến Thổ Nhĩ Kỳ hòa giải với Israel được cho là liên quan tới nhu cầu mua khí đốt tự nhiên ngoài khơi của nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục