Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga là chiến thắng của ông Putin?

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria đánh dấu một bước chuyển quan trọng, trong đó việc Ankara xích lại gần Moskva có thể được coi là một thắng lợi của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga là chiến thắng của ông Putin? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (Nguồn: Guardian)

Lệnh ngừng bắn ở Syria được thực hiện với sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra hy vọng mới về việc tạo lập một nền hòa bình ở đất nước Trung Đông này. Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu một bước chuyển quan trọng, trong đó việc Ankara xích lại gần Moskva có thể được coi là một thắng lợi của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo bình luận của tờ Christian Science Monitor​.

Trong suốt cuộc chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mọi điều có thể để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời, theo chủ trương chính sách của Washington, Ankara hậu thuẫn phe nổi dậy chống chế độ Assad. 

Cũng trong thời gian đó, Nga đã làm mọi thứ có thể để bảo vệ quyền lực của ông Assad. Nga cuối cùng đã xoay chuyển được tình hình theo hướng có lợi cho chế độ Syria thông qua việc tăng cường hậu thuẫn quân sự và tiến hành không kích vào Syria hồi tháng 9/2015.

Cùng với Iran và phong trào Hezbollah, Nga đã giúp đảm bảo rằng các lực lượng ủng hộ ông Assad giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thành trì của phe nổi dậy ở Aleppo hồi tháng 12/2016. 

Tuy nhiên hiện nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đang tiến tới tái lập mối quan hệ hữu nghị, và đây có thể sẽ trở thành nhân tố định hình địa chính trị trong năm 2017 trong bối cảnh làn sóng chống Mỹ nổi lên ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tìm kiếm nền tảng cho mối quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. 

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là hai nước bảo trợ cho lệnh ngừng bắn trên toàn Syria mà không có sự tham gia của Mỹ và Liên hợp quốc. Cùng với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức hội nghị hòa bình trong tháng 1 này tại Kazakhstan nhằm củng cố các thắng lợi của ông Assad. 

Sự thay đổi quan điểm nhanh chóng này có thể gây chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với liên minh phương Tây, bởi nước này từ lâu được coi là chỗ dựa phía Đông của NATO. Xu hướng ngả về phương Tây của ông Erdogan trước đó được đón nhận ở mức độ “vừa phải”, và Tổng thống Obama đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “đối tác kiểu mẫu” hồi năm 2009. 

Tuy nhiên, động thái của ông Erdogan nhằm trấn áp các nhân vật đối lập và thâu tóm quyền lực đã làm suy yếu hình ảnh của ông ở Mỹ. Về phần mình, ông Erdogan đã lên án việc Mỹ không dẫn độ tu sĩ Fethullah Gulen ở Pennsylvania, người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi giữa tháng 7/2016 cũng như việc Mỹ hậu thuẫn người Kurd ở Syria - vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là phần tử khủng bố - trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS). 

Bulent Aliriza - Giám đốc Dự án Thổ Nhĩ Kỳ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington - nói: “Việc Mỹ bị lên án ở Thổ Nhĩ Kỳ về một loạt vấn đề rõ ràng tạo điều kiện cho sự hợp tác với Nga. Theo cách nhìn khái quát, đây rõ ràng là chiến thắng đối với Nga”.

Ông nhấn mạnh đến một điều “rõ ràng” đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Nga. Ông khẳng định: “Đây cũng là một chiến thắng của Nga trong khu vực bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi chính sách của họ ở Syria gần như 180 độ”. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng "tình bạn" mới của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chịu nhiều giới hạn, đặc biệt nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump làm lắng dịu những quan ngại của ông Erdogan bằng cách chủ động dẫn độ ông Gullen, hoặc chấm dứt sự giúp đỡ của Mỹ dành cho người Kurd ở Syria.  

Một yếu tố ảnh hưởng khác sẽ là việc ông Trump đón nhận quan điểm của Nga ở Syria ra sao - nơi Nga đã tự biến họ thành nhân tố quyết định chỉ trong vòng hơn một năm - cũng như ở những nơi khác. 

Các nhà quan sát Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng động thái thân Nga báo hiệu rằng Moskva đang tìm kiếm ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara sẽ không chấm dứt quan hệ kéo dài nhiều thập kỷ qua với phương Tây. 

Giới phân tích cho rằng quan hệ Mỹ-Thổ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép lực lượng Mỹ tiến vào Iraq từ lãnh thổ của họ hồi năm 2003.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã có lịch sử lâu dài quan hệ tốt đẹp với Mỹ và thù địch với Nga. Nhà phân tích Aliriza nói: “Rõ ràng, Nga đang tìm kiếm lợi thế thông qua Thổ Nhĩ Kỳ…Cho đến khi chúng ta chứng kiến quan hệ Mỹ-Thổ sẽ đi theo hướng nào dưới thời ông Trump, chúng ta vẫn cần chờ đợi xem quan hệ hòa giải giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến xa tới đâu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục