Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ muốn tạo năng lượng mới cho quan hệ song phương

Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Mỹ tại Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh ý nghĩa của việc hai nước tạo "năng lượng mới" cho quan hệ song phương.
Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ muốn tạo năng lượng mới cho quan hệ song phương ảnh 1Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ngày 30/3 đã cam kết tăng cường quan hệ song phương, bất chấp những bất đồng tồn tại giữa hai bên liên quan tới vai trò của lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ tại Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh ý nghĩa của việc hai nước tạo "năng lượng mới" cho quan hệ song phương.

Đồng thời, ông khẳng định Ankara và Washington đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cùng nhau giải quyết những thách thức chung đang đối mặt.

Đề cập tới sự hợp tác của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) để chống IS tại Syria, nhóm vũ trang vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố, ông Cavusoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi sẽ hợp tác hiệu quả hơn với chính quyền mới của Mỹ khi Washington ngừng liên minh với YPG.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng "việc hợp tác với một tổ chức khủng bố để chống lại một tổ chức khủng bố khác là sai lầm và không thực tế, theo đó gây thêm rủi ro đối với tương lai của Syria."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý hợp tác với YPG để cùng chống IS tại Syria là khó khăn và vấn đề này cần được đưa ra thảo luận cụ thể.

Ông cũng thừa nhận việc xác định vai trò của YPG trong chiến dịch chống IS sắp tới tại Raqqa, Syria là "sự lựa chọn khó khăn" đối với Mỹ.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Ankara, tân Ngoại trưởng Mỹ muốn tìm kiếm sự hỗ trợ hơn nữa từ Thổ Nhĩ Kỳ trong các nỗ lực chống IS.

Ông Tillerson khẳng định 3 mục tiêu chính trong các cuộc đàm phán với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm lần này là đánh bại IS, mang lại sự ổn định cho khu vực và tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Hiện Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bất đồng liên quan đến việc dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen - nhân vật đang sống lưu vong ở Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu trong vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan hồi tháng 72016.

Dù ông Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc trên nhưng Ankara vẫn liên tục kêu gọi Mỹ dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.

Với vị trí địa lý chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nước này đã cho phép các lực lượng liên minh sử dụng Căn cứ không quân Incirlik gần biên giới Syria để không kích chống IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục