Thổi "hồn" cho lá

"Tâm hồn" của những chiếc lá tái sinh

Tuổi thọ của những chiếc lá không chỉ dừng ở trên cây, mà sẽ tiếp tục được “tái sinh” ở một “đẳng cấp” cao mang tính nghệ thuật...
Khi tìm hiểu về các loại tranh làm từ nguyên liệu thiên nhiên, một số hoạ sĩ giới thiệu với tôi về tranh đá quý, tranh cát, tranh tre… Nhưng tranh làm từ lá cây thực sự gây ấn tượng với tôi bởi người hoạ sĩ không chỉ làm hồi sinh những chiếc lá đã rời cành mà còn biến chúng trở nên có hồn, có giá trị nghệ thuật và giá trị về mặt kinh tế.

Chứng kiến công cuộc làm hồi sinh những chiếc lá của các họa sĩ khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của O' Henri. Những chiếc lá mong manh, run rẩy buộc phải đón nhận cái “chết” dù vẫn nuối tiếc xuân thì.

Và, chúng tôi đã đến một nơi mà người ta đã và đang “luân hồi” cho những kiếp lá...

Tâm hồn của lá…

Loại hình nghệ thuật nào rồi cũng đều tìm cho mình được một chỗ đứng và giá trị nghệ thuật riêng. Với tranh lá, không chỉ là vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, là kỳ công của người họa sĩ mà còn ghi dấu ấn đậm nét của thời gian trên từng tác phẩm. Đó là nơi mà thời gian ngừng lại.

Tranh không kén người chơi bởi nó mang vẻ đẹp giản dị mà vẫn tinh tế. Mỗi bức tranh đều đưa lại cảm giác của sự gần gũi, thân quen vì chất liệu làm từ tự nhiên thường kéo con người gần hơn với nghệ thuật.

Có lẽ ở tranh lá dấu ấn thời gian có cơ hội thể hiện đậm nét nhất. Lá khô vừa rụng sẽ được mang về từ nhiều cánh rừng khác nhau. Tuổi thọ của chúng không chỉ dừng ở đó mà sẽ tiếp tục “tái sinh” ở một “đẳng cấp” cao mang tính nghệ thuật nhờ đôi bàn tay khéo kéo, tỉ mẩn của các họa sĩ.

Và rồi, nơi thời gian ngừng lại đó là cả một thế giới sinh động. Những bức tranh lá thấp thoáng bóng dáng của thiếu nữ đang độ xuân thì, của cánh rừng đang độ sang thu, hay của những góc phố cổ Hà Nội rêu phong cổ kính… Những chiếc lá với từng màu sắc, từng đường gân, thớ lá… đã cùng “vẽ” nên một bức tranh có hồn, nhìn vào đó dễ cảm giác như không chỉ được thấy hình hài của tác phẩm mà còn như đang chiêm ngưỡng cả một cánh rừng.

Những chiếc lá mộc mạc đã chuyển thể biết bao tác phẩm nổi tiếng có sẵn và góp phần tái hiện cảm xúc của bao họa sĩ trẻ trong những bức tranh do họ sáng tác.

Nét độc đáo của tranh lá Việt

Nếu tranh lá Nhật Bản, Ấn Độ sử dụng màu để vẽ tranh trên những chiếc lá thì tranh lá Việt Nam lại lấy chính lá làm màu sắc để ghép thành tranh. Tranh lá Việt Nam được nhắc đến lần đầu tiên bởi nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu.

Tranh lá không đơn thuần là sắp xếp những chiếc lá thành hình mà nó còn là “nghệ thuật của công nghệ”. Bởi, những tác phẩm thực sự có giá trị và bền bỉ theo thời gian phải rất công phu “chế tác”. Đó cũng chính là điểm khác biệt và độc đáo của nghệ thuật tranh lá Việt.

Giám đốc xưởng tranh Lá Việt Nguyễn Văn Duy cho biết: “Muốn cho màu sắc tranh phong phú, những chiếc lá được hái về phải qua công đoạn xử lý. Vì không phải cứ thế là dùng được ngay, mà những chiếc lá mới rụng, lành lặn sau khi rửa sạch sẽ được luộc kỹ cùng hoá chất chuyên dụng từ hai ngày đến một tuần để tạo sự bền dai”. Vì thế, theo anh “tuổi thọ của tranh có thể kéo dài tới hàng chục năm”.

Công nghệ “biến” màu cho lá cũng chính vào thời điểm này. Để lá có màu sắc tự nhiên hay có độ loang màu khác nhau người hoạ sĩ sẽ có cách xử lý phù hợp với đặc tính từng loại lá và sau đó lá thường có màu sắc như: trắng, đen, ghi, xám, nâu, vàng… Trước khi là phẳng để ghép tranh, lá sẽ được kiểm soát độ ẩm bằng cách phơi nắng thủ công (chứ không dùng máy sấy).

Trên nền giấy dán lên tấm gỗ, hay mảnh toan trắng họa sĩ vẽ phác thảo bằng chì, rồi chọn những mảnh lá có màu sắc thích hợp để cắt và dán lên, có khi cả bao tải lá chỉ tìm được vài chiếc vừa ý. Việc chọn lá cũng như màu sắc phụ thuộc vào mỹ cảm và phong cách từng người.

Tranh lá đặc biệt nhất ở chỗ vì khó có hai chiếc lá giống nhau nên mỗi bức tranh sẽ là một tác phẩm khác biệt và hơn nữa, chính sự chuyển màu trên từng chiếc lá đã tạo nên một thế giới màu sắc sinh động tự nhiên.

Ở xưởng tranh Lá Việt, trong số tranh sáng tác, tác phẩm “Một góc Hà Nội” (1mx1,2m) của họa sĩ Lê Khắc Trung đã có cơ hội “bôn ba” qua nhiều chương trình nghệ thuật và được định giá tới 1.000 USD.

Với thể loại tranh lá, công chúng được tiếp cận đa phần là những chủ đề quen thuộc nhưng được chuyển thể sang một chất liệu hoàn toàn mới. Đủ thấy sức sáng tạo của con người quả là vô tận./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục