Thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản

Qua thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý đấu giá tài sản.
Thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản ảnh 1 Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Thân Đức Nam phát biểu ý kiến thảo luận dự án Luật đấu giá tài sản. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 19/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đấu giá tài sản.

Qua phát biểu, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Cũng thể hiện quan điểm tán thành với việc ban hành luật nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa và tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá tài sản, tuy nhiên đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề cập tới vấn đề đang tồn tại trong hoạt động đấu giá, cần được xử lý trong Luật Đấu giá tài sản.

Theo đại biểu, qua thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua, do khung pháp luật thiếu chặt chẽ và do đạo đức của một bộ phận những đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá đã làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu cho biết, từ kinh nghiệm đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu, tình trạng thông thầu xẩy ra quá thường xuyên, chính vì vậy dự thảo cần tập trung chế định chặt chẽ, không để chỗ hở cho tiêu cực, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật có liên quan khác.

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới quy định về đấu giá viên trong dự thảo Luật. Dự thảo quy định “Đấu giá viên là người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá và điều hành cuộc đấu giá theo quy định của Luật này.”

Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự chính xác bởi đấu giá viên không chỉ làm nhiệm vụ điều hành cuộc đấu giá, mà còn thực hiện nhiều công việc khác có liên quan. Do vậy, theo đại biểu nên định nghĩa lại là: “Đấu giá viên là người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Đấu giá viên theo quy định của Luật này.”

Tại Điều 10 về đối tượng Đấu giá viên nên xem xét mở rộng đối với cả những người tốt nghiệp cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng, bởi những ngành này cũng liên quan mật thiết đến lĩnh vực bán đấu giá - đại biểu đề xuất.

Tại Điểm b khoản 1 Điều 16 quy định người "Không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, trừ trường hợp có lý do chính đáng,” đại biểu Tiến băn khoăn bởi một người tham gia làm việc tại công ty đấu giá nhưng công ty đó không tổ chức được cuộc đấu giá nào trong vòng 2 năm hoặc có tổ chức nhưng người đó không được tham gia điều hành thì có bị coi là vi phạm quy định này hay không, vấn đề này cần được làm rõ.

Đánh giá dự Luật có quy định Bộ Tư pháp xét, cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá khi đấu giá viên đã đủ điều kiện và tiêu chuẩn đào tạo tập sự hành nghề là phù hợp với công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên để phù hợp trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm việc xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ tư pháp, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm trong việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực này.

Thảo luận về Điều 21: Doanh nghiệp đấu giá tài sản, có đại biểu đề nghị không nên chỉ giới hạn 2 hình thức (doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh) mà vẫn duy trì hình thức các Trung tâm đấu giá hiện nay, nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức đấu giá phù hợp với thực tiễn, đặc điểm của các địa phương khác nhau. Đối với những địa phương kinh tế chưa phát triển thì chính quyền vẫn duy trì hình thức Trung tâm đấu giá của nhà nước để phục vụ hoạt động đấu giá tại địa phương.

Tại Khoản 1 Điều 21 quy định “doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan,” đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét lại bởi hoạt động đấu giá tài sản cũng là một hoạt động dịch vụ rất bình thường ở các nước và đang có nhu cầu phát triển mạnh ở Việt Nam. Nếu Luật quy định hạn chế hình thức doanh nghiệp đấu giá phải là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì sẽ hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân và nước ngoài.

Hơn nữa, đại biểu dẫn chứng, Điều 18 đã quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, do vậy không cần thiết phải ràng buộc chế độ trách nhiệm vô hạn.

"Nhiều ngành nghề khác còn nhạy cảm hơn nhiều như luật sư nhưng luật cũng không ràng buộc trách nhiệm vô hạn một cách cứng nhắc đối với những tổ chức hành nghề và người hành nghề"- đại biểu nhấn mạnh.

Mặt khác, đại biểu lo ngại vì hiện nay có rất nhiều công ty bán đấu giá hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Theo khoản 3 Điều 77, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp trên phải chuyển đổi hình thức và đăng ký lại, nếu không sẽ phải chấm dứt hoạt động. Nếu áp dụng quy định này của Luật Đấu giá tài sản thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể và đầy đủ các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá tại dự án Luật Đấu giá tài sản. Dự Luật quy định đấu giá bằng hình thức, phương thức khác theo quy định của pháp luật là chung chung, khó thực hiện...

Nhiều nội dung khác liên quan tới: Các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá doanh nghiệp đấu giá tài sản; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản... đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cụ thể.

Chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi) và Luật về Hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục