Thống nhất tư liệu về Bác Hồ và gia đình tại Huế

Hơn 10 năm Bác sống ở Huế cùng người thân là quãng thời gian quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
"Xác minh khoa học thông tin về những người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống, học tập, lao động và tham gia các hoạt động yêu nước ở Huế" là nội dung cuộc Hội thảo khoa học do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 21/8, tại thành phố Huế.
Ba mươi tham luận của các nhà nghiên cứu, khoa học đã được trình bày và gửi tới hội thảo. Các tham luận tập trung chủ yếu về các vấn đề hệ thống chính xác các mốc thời gian, sự kiện liên quan đến những người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian sống ở Huế; cung cấp tư liệu, hiện vật để làm rõ những sự kiện liên quan đến những người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và góp ý chỉnh lý trưng bày về nội dung những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian sống ở Huế. Hơn 10 năm Bác Hồ sống ở Huế cùng những người thân trong gia đình là quãng thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Qua thống kê và khảo sát bước đầu, ở Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Đó là ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan (nơi ở của gia đình Người trong thời gian từ 1895-1901); ngôi nhà ông Nguyễn Sĩ Độ ở Dương Nỗ, Phú Vang (nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung về dạy học từ 1898-1900)... Những địa danh gắn bó với Nguyễn Sinh Cung khi theo cha về làng Dương Nỗ như Bến Đá, Am Bà, Đình Làng Dương Nỗ và những nơi liên quan mật thiết khác, như di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) ở chân Núi Tam Tầng, xã Thủy An, thành phố Huế; ngôi nhà Dãy trại gần Cửa Đông Ba, nay là 47 Mai Thúc Loan, Huế (nơi Nguyễn Tất Thành cùng cha và anh ở từ năm 1906-1909); địa điểm Trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, nay là công viên Phan Đăng Lưu, thành phố Huế (nơi Nguyễn Tất Thành đã học tiểu học những năm 1906-1908); Trường Quốc Học Huế (nơi Nguyễn Tất Thành đã học từ 1908-1909); địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ, nay là Trường Đại học Sư phạm Huế (nơi Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế tháng 4/1908). Các địa điểm di tích khác có liên quan đến Bác Hồ và gia đình còn có Trường Thi, Bộ Lễ, Quốc Tử Giám, Chợ Xép, Miếu Âm Hồn, Bến Văn Lâu, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Thanh ở trong những năm 1924-1930 trên đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Thành, thành phố Huế, ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Khiêm ở Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Trong đó, có 4 di tích đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (nhà 112 Mai Thúc Loan; nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ, trường Quốc học)... Tiến sỹ Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết Hội thảo khoa học lần này tập trung công sức và trí tuệ của các nhà khoa học, của những người làm công tác văn hóa và tư tưởng, nhằm đóng góp tích cực vào sự nghiệp giữ gìn, kế thừa và phát huy di sản cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, thông qua hội thảo sẽ xác định cơ sở khoa học cho các mốc lịch sử, nội dung các sự kiện, giá trị các di tích tại Huế..., để thống nhất sử dụng tư liệu trong công tác tuyên truyền, giáo dục về thân thế - sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở các Bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần làm cho thành tựu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng có tính hệ thống hơn, đầy đủ hơn, mang tính khoa học hơn, xứng đáng với công lao của Người đối với Huế nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.../.
Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục