Thông tư 14: Khơi thông dòng chảy tín dụng xử lý nợ xấu qua VAMC

Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu được cho là hoàn chỉnh nhất về mua bán nợ xấu qua VAMC từ trước đến nay.
Thông tư 14: Khơi thông dòng chảy tín dụng xử lý nợ xấu qua VAMC ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: HDBank)

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để thanh toán cho các tổ chức tín dụng bán nợ khi mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng...

Đó là những nội dung chính của Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành. Đây được cho là Thông tư hoàn chỉnh nhất về mua bán nợ xấu qua VAMC từ trước đến nay.

Phát hành trái phiếu đặc biệt

Đáng chú ý, văn bản mới đã chính thức quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có.

Với hình thức này, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường sẽ thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các tổ chức tín dụng cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC (dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…).

Trước hết, trái phiếu VAMC phát hành, dùng để thanh toán cho tổ chức tín dụng bán lại nợ xấu, được chuyển nhượng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau (còn trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng).

Một trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu đã được mua, bán. Trường hợp khoản nợ xấu đã được mua, bán là khoản tín dụng hợp vốn, VAMC phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt tương ứng cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn. Mệnh giá trái phiếu có giá trị bằng giá mua, bán của khoản nợ xấu.

Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND. Trái phiếu được chuyển nhượng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau. Trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng.

Trái phiếu, trái phiếu đặc biệt có lãi suất 0%. Thời hạn của trái phiếu được xác định theo thỏa thuận giữa VAMC và tổ chức tín dụng bán nợ, tối thiểu là 01 năm. Trường hợp số tiền thu hồi nợ chưa đủ để thanh toán trái phiếu khi trái phiếu đến hạn thanh toán, VAMC quyết định gia hạn thời hạn của trái phiếu, tối đa không qua 3 năm, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ sở hữu trái phiếu.

Thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 5 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm.

Chịu trách nhiệm về khoản mua nợ theo giá trị thị trường

Ngoài ra, Thông tư 14 cũng quy định rõ, căn cứ phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

VAMC chỉ được mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường khi đã thực hiện đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện theo quy định; được VAMC đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, VAMC phải xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu đó; đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu; phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng của khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên đảm bảo, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng bán nợ; dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Thông tư 14 cũng nêu rõ VAMC bán nợ xấu phải bảo đảm sự công khai, minh bạch; thu hồi tối đa khoản nợ, kể cả lãi, phí phải trả (nếu có). Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân lợi dụng việc mua bán nợ xấu để hưởng lợi bất hợp pháp.

Giá bán nợ là mức giá cao nhất trên cơ sở so sánh, tham khảo các mức giá chào mua của khoản nợ xấu đó hoặc mức giá của khoản nợ xấu có chất lượng tương đương hoặc giá trị khoản nợ xấu do VAMC, tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định để giảm tổn thất trong xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, VAMC phải bán khoản nợ xấu đã mua theo phương thức bán đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh. Trường hợp bán đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh ít nhất một lần không thành, VAMC được thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ, bao gồm cả bên mua nợ đã tham gia đấu giá hoặc đã nộp hồ sơ chào giá cạnh tranh và bán khoản nợ cho bên mua nợ trả giá cao nhất.

Việc bán khoản nợ xấu theo phương thức chào giá cạnh tranh phải có sự tham gia của ít nhất 2 bên mua nợ không phải là người có liên quan với nhau theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. VAMC tự định giá hoặc thuê tổ chức định giá độc lập định giá khoản nợ xấu để xác định giá chào bán khoản nợ xấu...

Một điểm khác của Thông tư cũng rất quan trọng, đó là khi thực hiện mua, bán nợ với VAMC: bên mua nợ sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam để thực hiện thanh toán cho VAMC tiền mua nợ và các chi phí có liên quan theo hợp đồng mua bán nợ đối với trường hợp sử dụng đồng tiền mua nợ là đồng Việt Nam.

Khi thu hồi nợ từ các khoản nợ được mua từ VAMC, số tiền thu hồi nợ phải được chuyển vào một tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam và một tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ (đối với trường hợp khoản nợ được thu hồi bằng ngoại tệ) của bên mua nợ mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục