Thủ đô Hà Nội tụt hạng về chất lượng dịch vụ hành chính công

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, trong khi một số địa phương đông dân đã cải thiện được chất lượng dịch vụ công thì Hà Nội lại tụt hạng có các chỉ số về chất lượng hành chính công thấp nhất.
Thủ đô Hà Nội tụt hạng về chất lượng dịch vụ hành chính công ảnh 1Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại khu vực giao dịch một cửa điện tử. (Ảnh: TTXVN)

Theo khảo sát ý kiến của người dân được thực hiện gần đây nhất, mức độ cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công trong thời gian qua không đáng kể. Đặc biệt, kết quả xếp hạng cho thấy trong khi một số địa phương đông dân đã cải thiện được chất lượng dịch vụ công thì Hà Nội lại tụt hạng và trở thành một trong những thành phố lớn có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất.

Đây là kết quả của dự án Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014 được công bố ngày 14/4 tại Hà Nội.

Tiến độ cải cách dịch vụ công chậm

Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh cho thấy trong bốn năm qua (từ năm 2011 đến năm 2014), sáu chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công PAPI được đo lường cho thấy mức độ cải thiện về chất lượng dịch vụ không đáng kể.

Trong số sáu chỉ số  được đo lường, có tới bốn chỉ số đều tụt điểm, chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở sụt giảm nhiều điểm nhất. Kết quả khảo sát cho thấy, bầu cử trưởng thôn chủ yếu mang tính hình thức, chỉ có một hoặc hai ứng viên để lựa chọn và việc chính quyền giới thiệu ứng viên khá phổ biến.

Năm 2014, chỉ số về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân tăng chậm. Trung bình chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và tin tưởng các thông báo công khai về ngân sách ở quận, xã mình.

Cung ứng dịch vụ công được đánh giá có cải thiện về chất lượng cơ sở hạ tầng nhưng mức hộ hài lòng với chất lượng bệnh viện công cấp huyện lại giảm sút.

Đặc biệt, người dân tham gia khảo sát hầu như không ghi nhận được tiến bộ gì trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng.

Mặt khác, chỉ số về thủ tục hành chính công cũng không có mấy cải thiện trong cảm nhận chung của người dân được khảo sát. Liên quan đến quyền sử dụng đất, một phần ba (34%) người nộp đơn phải đợi 100 ngày mới giải quyết xong giấy tờ, 8% phải đợi từ 100-720 ngày mới có kết quả cuối cùng trong khi luật quy định việc xử lý thủ tục liên quan không kéo dài quá 30 ngày.

Trong sáu nội dung được khảo sát, minh bạch về bồi thường đất đai là nội dung được điều chỉnh phù hợp với Luật Đất đai mới. Kết quả cho thấy số lượng người dân bị thu hồi đất đã ít hơn so với những năm trước. Đa số người được khảo sát cho biết họ hoặc họ hàng của họ đã nhận được tiền bồi thường. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1/5 cho biết họ không nhận được khoản bồi tường và chỉ 36% nhận được mức bồi thường thỏa đáng.

Hà Nội thuộc nhóm thấp điểm

Tương tự như những năm trước, điểm số PAPI giữa các tỉnh có nhiều cách biệt, thể hiện sự khác biệt đáng kể về chất lượng quản trị công cấp tỉnh. 

Hầu hết người dân tham gia khảo sát ở các tỉnh Vĩnh Long, Long An và Bình Dương cho biết họ nhận được dịch vụ và quản trị công chất lượng cao. Mặc khác, người dân ở Cao Bằng, Ninh Thuận, Điện Biên và Quảng Ngãi lại cho biết họ nhận được dịch vụ công chất lượng thấp.

Kết quả xếp hạng PAPI 2014 cho thấy không có tỉnh, thành phố nào đạt điểm cao nhất ở cả sáu chỉ số, song một số tỉnh đạt điểm cao ở 4-5 chỉ số. Quảng Bình tiếp tục là tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI khi có tới 5 chỉ số thuộc nhóm cao điểm nhất. Ngược lại, Hà Giang là tỉnh đạt điểm thấp nhất ở cả sáu chỉ số nội dung.

Theo kết quả xếp hạng, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều khác biệt. Thành phố Hồ Chí Minh đạt điểm cao hơn ở nhiều chỉ số so với Hà Nội và có sự cải thiện về các chỉ số so với các năm trước.

Hà Nội thuộc nhóm cao điểm ở chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở nhưng lại thuộc nhóm thấp điểm ở bốn chỉ số: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công./.

Xem chi tiết Bảng tổng hợp kết quả chỉ số PAPI tại đây

Chỉ số PAPI là nguồn dữ liệu để các cấp, ngành ở trung ương và địa phương sử dụng nhằm theo dõi quá trình thực thi chính sách, từ đó đưa ra những biện pháp cải thiện kịp thời. Dự án do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện.

Chỉ số được xếp hạng theo sáu lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục