Thu hút vốn FDI vào VN: Định hướng chọn lọc!

Năm tới sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Trong sóng gió khó khăn của 2009, Việt Nam vẫn giữ được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Việc giữ được sức hấp dẫn này rất quan trọng nhưng Việt Nam cũng phải định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc để khai thác tối đa về chất nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đồng thời đón đầu xu thế mới.

Việt Nam - Nơi làm ăn lâu dài của nhà đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2009 cả nước có 839 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 16,34 tỷ USD.

Tuy chỉ bằng 24,6% so với năm 2008 nhưng đây cũng là con số khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Đáng lưu ý là trong con mắt của nhà đầu tư thì Việt Nam vẫn là nơi làm ăn lâu dài.

Bằng chứng là số vốn tăng thêm đăng ký mới không giảm tương ứng theo số đăng ký mới mà vẫn có 215 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,13 tỷ USD, bằng 98,3% so với năm 2008 - năm đỉnh cao về FDI của Việt Nam.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 21,48 tỷ USD.

Khác với tình trạng từ khi được cấp phép đến khi dự án được thực hiện là một khoảng thời gian dài như nhiều năm trước, gần đây, nhiều dự án quy mô lớn đã sớm khởi công ngay khi cấp phép.

Khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện cũng đã hẹp hơn những năm trước. Lượng vốn cấp mới và tăng thêm của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2009 đã đạt 21,48 tỷ USD trong khi đó lượng vốn giải ngân là 10 tỷ USD đạt mục tiêu đề ra.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong năm đạt 29,9 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang xuất siêu 5,03 tỷ USD.

Hoa Kỳ đang là nhà đầu tư lớn nhất năm nay với tổng số vốn đăng ký là 9,8 tỷ USD (chiếm 45% tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2009).

Xếp thứ hai là Cayman Islands, tiếp theo là Samoa và Hàn Quốc.

Bà Rịa-Vũng Tàu đang là địa phương thu hút nhiều FDI nhất trong năm. Quảng Nam là tỉnh đứng thứ hai, tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Đồng Nai và Phú Yên.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống đang đứng đầu với 8,8 tỷ USD. Tiếp theo là lĩnh vực bất động sản với 7,6 tỷ USD (tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm).

Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm trong đó có một số dự án có quy mô lớn được cấp phép trong năm như Khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam, dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai và dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam có tổng vốn đầu tư lần lượt là 4,15 tỷ USD, 2 tỷ USD và 1,68 tỷ USD.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký lớn thứ ba trong năm 2009 với 2,97 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 2,22 tỷ USD đăng ký mới và 749 triệu USD vốn tăng thêm.

Theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường bất động sản ở Việt Nam trở thành thị trường nhiều tiềm năng nên hai năm gần đây, đó là lĩnh vực hút vốn ngoại cũng là điều dễ hiểu.

FDI đầu tư vào bất động sản đã góp phần cải thiện hình ảnh hạ tầng Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì sự gia tăng FDI vào lĩnh vực này cũng có những điều đáng nói. Trong nguồn vốn của khối đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này có phần khá lớn được huy động tại Việt Nam.

Trong khi đó, bất động sản cũng đang là khu vực có tiềm ẩn rủi ro với những cảnh báo về hiện tượng giá bất động sản ở Việt Nam quá cao. Bởi thế, đã đến lúc Việt Nam phải có một chiến lược rõ ràng và một quy hoạch rõ ràng cho thu hút FDI.

Định hướng chọn lọc

Bộ Kế hoạch-Đầu tư xác định trong năm tới sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Các ngành khác cũng nhận được sự ưu tiên là chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Làm được điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào địa phương trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ về cấp phép đầu tư.

Thêm vào đó, xu thế chuyển vùng của các nhà đầu tư trên thế giới đã thể hiện rất rõ. Các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có xu hướng đầu tư cho sản xuất trực tiếp ở nước ngoài.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta cần tích cực hơn, khẩn trương hơn để đón đầu xu thế này và cần vận dụng mọi biện pháp để tranh thủ cơ hội đầu tư cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư”.

Việt Nam cần sớm khắc phục các “nút thắt” về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ./.

Nguyễn Huyền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục