Thủ tục kiểm tra hàng hóa bị chê "vênh" so với cam kết quốc tế

Nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện tại của Việt Nam bị đánh giá là chỉ tương thích một phần hoặc thậm chí là không tương thích với những cam kết quốc tế.
Thủ tục kiểm tra hàng hóa bị chê "vênh" so với cam kết quốc tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện tại của Việt Nam bị đánh giá là chỉ tương thích một phần hoặc thậm chí là không tương thích với những cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đây là vấn đề được các chuyên gia cảnh báo trong hội thảo tham vấn “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” tổ chức sáng 3/11 tại Hà Nội.

Một nồi cơm điện, 3 bộ kiểm tra

Theo ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, các cam kết trong EVFTA có 26 nội dung liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện tại, vị chuyên gia cho rằng, chỉ có 16 nội dung là tương thích với quy định của Việt Nam, còn lại 4 nội dung chỉ tương thích một phần và 6 nội dung chưa tương thích.

Nêu lên ví dụ, ông Bình cho rằng, trong cam kết EVFTA, Việt Nam và các nước thống nhất vừa đảm bảo quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi cho thương mại tuy nhiên thực tế, nhiều quy định tại Việt Nam vẫn chưa thuận lợi.

Ông dẫn chứng về thủ tục quản lý chuyên ngành với nồi cơm điện. Theo ông Bình, một chiếc nồi cơm trước tiên phải kiểm tra chất lượng về điện, rồi tới kiểm tra dán nhãn năng lượng. Ngoài ra, vì là vật đựng thực phẩm nên hành trình của chiếc nồi cơm điện còn phải kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ba bước kiểm tra này theo ông được quy định trong 3 luật khác nhau và do 3 bộ khác nhau quản lý.

Trường hợp này theo vị chuyên gia kinh tế chỉ là một trong những ví dụ về thực tế một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Nêu thêm dẫn chứng khác, ông Phạm Thanh Bình nói về quy định điều kiện người đứng đầu cơ sở in. Theo ông, nghị định 60/2014/NĐ-CP có yêu cầu người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

Tuy nhiên, ông Bình nêu thực tế, quy định trên áp dụng với người đứng đầu các cơ sở in ấn phẩm xuất bản thì “không có gì phàn nàn” nhưng với người sản xuất in trên sản phẩm dệt may hay gạch men thì khó.

“Chả có chỗ nào đào tạo cái đó cả, như thế là gây khó cho doanh nghiệp,” vị chuyên gia lên tiếng.

Kiểm tra 29.000, tìm ra 10

Nhấn mạnh thêm về những vấn đề chưa tương thích, ông Phạm Thanh Bình cho rằng, cam kết EVFTA nhắc tới việc áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, đặc biệt là quản lý dựa trên quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan.

Tuy vậy, vị chuyên gia nhiều năm trong ngành hải quan đánh giá, đây rõ ràng là vấn đề chưa tương thích.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ hiện thực tế mới chỉ được ngành hải quan áp dụng. Trong khi ấy, với các cơ quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành, việc áp dụng phương pháp quản lý này theo bà “chưa có.”

Đưa ra thêm ví dụ, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan thừa nhận, kết quả khảo sát 9 tháng năm 2016 tại Hải Phòng cho thấy, 29.000 lô hàng phải kiểm dịch thực vật thì chỉ có 10 lô hàng không đạt.

Tại cuộc khảo sát khác ở Lạng Sơn năm 2014, cơ quan chức năng thống kê thấy, có 13.000 lô hàng bị kiểm dịch thực vật thì cả 13.000 lô đều đảm bảo chất lượng.

Việc kiểm tra nhiều nhưng chẳng tìm được mấy sai phạm đã rõ ràng nhưng quan trọng hơn, theo ông, phương tiện kiểm tra hầu như không có, chỉ có con người và vài loại máy sơ sài nhưng “kiểm tra cái nào cũng đạt.”

Lấy thêm ví dụ, chuyên gia Phạm Thanh Bình cho hay, dù đã cam kết không phân biệt đối xử trong quản lý chuyên ngành, song thực tế việc áp dụng tại Việt Nam lại không đúng.

Ông chỉ ra thực tế về quy định chứng nhận dán nhãn năng lượng. Cụ thể, với hàng sản xuất trong nước, chứng chỉ trên có giá trị 3 năm nhưng với hàng nhập khẩu, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy chỉ có giá trị đối với từng người nhập khẩu, từng lô hàng.

Từ đó, ông Bình đề xuất, Việt Nam có thể áp dụng giải pháp chủ động công nhận chứng nhận chất lượng của nước ngoài, chất lượng của các nhà sản xuất, nhãn hiệu nổi tiếng.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng tình với đề xuất này. Theo bà, so với tương quan nhiều nước, năng lực công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam còn thấp hơn. Vì vậy, việc chủ động công nhận theo bà vừa đảm bảo nguyên tắc thương mại vừa giúp người dùng được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao.

Thừa nhận đang có hàng trăm văn bản về kiểm tra chuyên ngành, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan nhắc tới vấn đề “nhận thức” trong quá trình đơn giản hóa thủ tục.

Rất nhiều thủ tục như kiểm dịch thực vật, động vật đã được phía hải quan kiến nghị đưa vào cơ chế một cửa quốc gia nhưng hiện vẫn chưa được thực hiện.

Thủ tục giấy tờ để kiểm tra trong lĩnh vực này theo ông Hải đã được đơn giản hóa nhưng quan trọng là các doanh nghiệp vẫn phải mang hàng đi kiểm tra rồi mới quay lại hải quan để thực hiện thông quan. Quá trình này theo ông không những tốn thời gian mà còn không ít chi phí./.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói về thực tế quy định kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục