Thủ tướng Australia khẳng định quyền bình đẳng về người Hồi giáo

Sáng 10/10, Thủ tướng Australia tái khẳng định cam kết về quyền bình đẳng cho mọi người dân nước này, cũng như việc đối xử ngang bằng, tôn trọng bất kể chủng tộc, màu da, tín ngưỡng.
Thủ tướng Australia khẳng định quyền bình đẳng về người Hồi giáo ảnh 1Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước Quốc hội sáng 10/10, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã tái khẳng định cam kết về quyền bình đẳng cho mọi người dân Australia, cũng như việc được đối xử ngang bằng, tôn trọng bất kể chủng tộc, màu da, tín ngưỡng hay nguồn gốc của công dân đó.

Thủ tướng Turnbull đã nhấn mạnh đến sự thành công của một quốc gia đa văn hóa như Australia và những hành động của chính phủ nhằm duy trì “đường biên giới mạnh” làm trụ cột cho thành công về tính thống nhất của quốc gia.

Ông nói: “Sự hòa hợp và an ninh không loại trừ nhau, chúng củng cố cho nhau.”

Ông Turnbull cũng khẳng định việc đối xử công bằng đối với cả người nhập cư và tị nạn ở Australia. Ông cho rằng trước những hành động khủng bố vừa qua, mối lo ngại về người nhập cư Hồi giáo ngày càng tăng ở Australia, song cũng cần nhắc lại rằng người Hồi giáo ở Australia là “một phần cấu thành gia đình Australia.”

Theo ông, số người Hồi giáo ủng hộ các hành động khủng bố chỉ là “thiểu số rất nhỏ” và vũ khí hiệu quả nhất để chống khủng bố là một quốc gia thống nhất.

Phát biểu của Thủ tướng Turnbull được đưa ra chỉ một ngày sau khi trường Đại học quốc gia Australia công bố kết quả cuộc khảo sát mới tại Australia cho thấy có tới hơn 70% số người được hỏi lo ngại về sự gia tăng chủ nghĩa cực hữu Hồi giáo ở Australia và cứ 1 trong 3 người được hỏi cho rằng người Hồi giáo nên được xem xét cẩn thận hơn những cộng đồng người theo các tín ngưỡng khác.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy gần một nửa (46%) số người được hỏi tin rằng chính sách chống khủng bố của chính phủ chưa đủ mạnh để bảo vệ đất nước và 56% cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Turnbull cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố.

Có tới 2/3 cho rằng việc chính phủ lưu giữ các dữ liệu thông tin như một biện pháp chống khủng bố là hợp lý, trong khi 1/3 cho rằng việc này vi phạm quyền riêng tư của công dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục