Thủ tướng Đức kêu gọi EU không kỳ thị người tị nạn Hồi giáo

Thủ tướng Merkel nhận định việc một số quốc gia nói rằng không muốn người Hồi giáo ở trên đất nước của họ là "hoàn toàn không đúng đắn."
Thủ tướng Đức kêu gọi EU không kỳ thị người tị nạn Hồi giáo ảnh 1Người tị nạn ở Đức. (Nguồn: Spiegel.de)

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28/8 cho rằng việc một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ chối tiếp nhận người tị nạn Hồi giáo là "không thể chấp nhận được" trong bối cảnh Berlin kêu gọi các nước EU cùng chia sẻ hạn ngạch tiếp nhận trên toàn khối.

Phát biểu trên kênh truyền hình ARD của Đức, Thủ tướng Merkel nhận định việc một số quốc gia nói rằng không muốn người Hồi giáo ở trên đất nước của họ là "hoàn toàn không đúng đắn."

Với quan điểm ủng hộ hạn ngạch tiếp nhận người di cư do EU phân bổ, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh mọi quốc gia đều phải thực thi phần nhiệm vụ của mình và rằng cần phải tìm ra một giải pháp chung cho tình hình hiện nay.

Phát ngôn trên được bà Merkel đưa ra sau khi Tổng thống Slovakia Robert Fico khẳng định sẽ không bao giờ cho phép dù chỉ một người Hồi giáo được cấp quy chế tị nạn tại quốc gia này.

Trong khi đó, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cho biết ông không muốn có một cộng đồng người Hồi giáo đông đảo tại nước này, có thể gây nhiều vấn đề đáng quan ngại và rằng mỗi nước thành viên EU nên được lựa chọn số lượng người di cư mà họ sẽ tiếp nhận.

Việc soạn thảo một chính sách chung về vấn đề người di cư trên toàn châu Âu - dự kiến được đưa ra bàn thảo trong Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 9 tới - đang đặt ra nhiều tranh cãi khi các nước thành viên Đông Âu gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia không chấp thuận tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ của EU.

Thậm chí, các nước này còn cho rằng quyết định của Thủ tướng Đức hồi tháng Chín năm ngoái mở cửa đón nhận người xin tị nạn chẳng khác nào một "lời mời" khiến dòng người di cư khổng lồ sẽ tiếp tục đổ về Lục địa già.

Trong khi đó, Văn phòng Liên bang Đức về người di cư và tị nạn (BAMF) cho biết chỉ riêng trong năm 2015, Đức đã tiếp nhận khoảng 1 triệu người xin tị nạn, chủ yếu tới từ Syria, Iraq hoặc Afghanistan, và năm nay, con số này ước tính sẽ tăng thêm 300.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục