Thủ tướng Italy Renzi thừa nhận chính phủ đang rơi vào khó khăn

Thủ tướng Matteo Renzi đã lên tiếng thừa nhận rằng, chính phủ do ông đứng đầu và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đang rơi vào một giai đoạn hết sức khó khăn.
Thủ tướng Italy Renzi thừa nhận chính phủ đang rơi vào khó khăn ảnh 1Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Thủ tướng Matteo Renzi đã lên tiếng thừa nhận rằng, chính phủ do ông đứng đầu và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đang rơi vào một giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng sẽ đi đến hết nhiệm kì này vào năm 2018, "dù trong bất cứ hoàn cảnh nào."

Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc họp của đảng Pd tại Hạ viện. Đối với Renzi, Thủ tướng Italy từ tháng 2/2014, thì nhiệm kỳ này của chính phủ chứng kiến những khó khăn nhất định, nhưng ông sẽ không để xảy ra tình trạng bầu cử trước thời hạn.

Italy đã trải qua 4 cuộc Tổng tuyển cử trong vòng 7 năm qua và nền chính trị nước này chưa từng chứng kiến sự ổn định trong một thời gian dài, điều có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế dài và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II.

Italy mới thoát khỏi suy thoái kinh tế vào quý Một, nhưng quá trình phục hồi được cho là còn chậm, chưa thực sự sáng sủa và nợ công đang ở mức báo động, xấp xỉ 2,2 nghìn tỷ euro, tương đương với 133% GDP.

Theo nhật báo hàng đầu Corriere della Sera, đảng Pd và chính phủ của Thủ tướng Renzi đang đối mặt với những "tổn thất" lớn về mặt uy tín, do một loạt những bê bối về tham nhũng liên quan đến các quan chức thuộc đảng này ở nhiều địa phương bị phanh phui.

Bê bối nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở chính quyền thủ đô Rome, khi scandal hàng loạt quan chức chính quyền thành phố cấu kết với mafia để giành giật các gói thầu xây dựng cơ bản bùng nổ cuối năm ngoái.

Hơn 150 người đã bị bắt và điều tra trong vụ bê bối làm rung chuyển nền chính trị Italy này. Trung hữu mới (Ncd), đảng liên minh với Pd trong chính phủ, đang khủng hoảng do một bộ trưởng thuộc đảng này đã phải từ chức vì liên quan đến tham nhũng, trong khi hai thứ trưởng là thành viên của họ cũng bị điều tra trong scandal "mafia thủ đô."

Ngoài ra, Pd cũng có những vấn đề nội bộ, khi một nhóm các chính trị gia thiểu số trong đảng phản đối lại nhiều đường lối cải cách của Thủ tướng Renzi. Trong khi đó, với 8 phiếu chênh lệch, phe cầm quyền giờ chỉ có một đa số rất mong manh so với đối lập ở Thượng viện.

Theo Corriere della Sera, hậu quả của quá trình mất uy tín này rất lớn. Mặc dù Pd đã giành chiến thắng ở 5 trên 7 vùng trong cuộc bầu cử địa phương cách đây 2 tuần, nhưng trong cuộc bỏ phiếu để bầu chức thị trưởng ở nhiều thành phố quan trọng trong cả nước vào hôm 14/6, họ đã thua các đảng đối lập ở 6 thành phố là thủ phủ của các tỉnh.

Trong cuộc bầu cử này, lần đầu tiên phe trung tả mất chức thị trưởng ở Venice trong 20 năm qua, trong khi đó, chức thị trưởng ở một loạt thành phố trước nay được cho là "thành trì" của cánh tả và đảng Pd như Arezzo hay Livorno rơi vào tay các đảng đối lập như Liên đoàn Phương Bắc, đảng có xu hướng bài ngoại và chống nhập cư, và Phong trào 5 Sao (M5S), đảng đã thắng ở cả 5 thành phố mà họ đưa ra ứng viên tranh cử.

Các nhà phân tích cho rằng, tỷ lệ người đi bầu quá thấp đã khiến Pd thất bại. Các tính toán sơ bộ cho thấy, Pd mất hơn 2 triệu phiếu bầu so với các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Nghị viện Châu Âu vào năm ngoái, khi Pd thắng lớn với số phiếu luôn ở mức trên 40%.

Các ứng viên của Pd đã không đạt được mức phiếu cần thiết 40% để giành thắng lợi ở vòng 1 và đã thua ở vòng bầu cử thứ 2, khi các cử tri của Pd đi bầu quá ít. Corriere della Sera cho rằng, điều này có thể được coi là một tín hiệu cho Pd rằng, họ hoặc đang bị các cử tri trừng phạt vì thất vọng với những bê bối đang xảy ra, như trường hợp của Venice, với cựu thị trưởng Orsini thuộc cánh tả bị bắt năm ngoái do tham nhũng, hoặc các địa phương này đang muốn có một sự thay đổi ở vị trí người lãnh đạo, trong hoàn cảnh các đảng đối lập tận dụng tốt các vấn đề mà Pd đang đối mặt để chiến thắng.

Corriere della Sera cũng khẳng định rằng, thất bại này là một tín hiệu nguy hiểm cho Pd, chỉ một năm sau khi đảng này giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5/2014. Việc tỷ lệ cử tri của Pd đi bầu thấp và các ứng viên không vượt quá 40% phiếu bầu có thể là một nhắc nhở đối với đảng này trong trường hợp bầu cử sớm có thể xảy ra.

Luật bầu cử mới có hiệu lực từ tháng 7/2016 tới quy định nếu các không đảng nào đạt 40% số phiếu bầu thì sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng hai giữa hai đảng có số phiếu cao nhất trong vòng 1.

Sau thất bại của Pd ở cuộc bầu cử địa phương cuối tuần vừa rồi, các đảng đối lập Liên đoàn Phương Bắc, Phong trào 5 Sao và Forza Italia đều khẳng định rằng, đó là một cú sốc đối với Pd và không ngần ngại nói đến khả năng sẽ hướng tới một cuộc bỏ phiếu trước thời hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục