Thủ tướng: Khen thưởng phải hướng vào người lao động trực tiếp

Thủ tướng cho rằng việc phát hiện các tấm gương, điển hình tiên tiến phải kịp thời hơn, phải phát huy được vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác thi đua.
Thủ tướng: Khen thưởng phải hướng vào người lao động trực tiếp ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương (Hội đồng) chủ trì cuộc họp của Hội đồng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

Năm 2016, các phong trào thi đua đã được triển khai sâu rộng ngay từ đầu năm, có nhiều đổi mới, sáng tạo, tiêu chí, nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, được người dân đón nhận.

Năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động các phong trào thi đua như phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau;” phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển;” triển khai giai đoạn 2 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và nhiều phong trào khác. Các phong trào này trở thành nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn ‎2016-2020.

Năm 2016 đã có 87 tập thể, 177 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của 50 bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương được giới thiệu. Công tác tuyên truyền về tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến đã được tuyên truyền trên nhiều phương tiện truyền thông.

Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho hơn 110.000 tập thể, cá nhân, trong đó phong trặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là gần 9.300 trường hợp.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thi đua khen thưởng trong năm qua. Tuy vậy, vẫn có nhiều vấn đề cần khắc phục. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thực tế vẫn còn nhiều nơi đã “phát” nhưng chưa “động” nhiều đến những người trực tiếp, chưa đúng đối tượng cần vận động. Hình thức còn nặng hơn nội dung ở một số nơi. Có trường hợp khen chưa sát, chưa đúng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về người tốt, việc tốt, tấm gương tốt, cách làm tốt, sáng tạo mới ở Việt Nam rất nhiều, nhưng tuyên truyền vận động chưa đúng mức, giới thiệu đến công chúng còn ít...

Thủ tướng cũng cho rằng việc phát hiện các tấm gương, điển hình tiên tiến phải kịp thời hơn, phải phát huy được vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác thi đua.

Về nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng nhấn mạnh dù tình hình trong nước và thế giới còn khó khăn, nhưng càng khó khăn càng phải thi đua để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đã đề ra. Các phong trào thi đua phải có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Thi đua và khen thưởng phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Với chủ đề năm 2017 Chính phủ lựa chọn là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững,” Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành bám sát chủ đề, vận dụng phù hợp trong các ngành, địa phương, đơn vị để triển khai các phong trào thi đua.

Thủ tướng cũng yêu cầu trong công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, hiệu quả tác động đến đời sống của người dân làm thước đo. Khen thưởng phải hướng vào những người lao động trực tiếp.

Với mục tiêu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng lưu ý phải chú trọng tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp cho cộng đồng và giải quyết việc làm, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp cho lớp trẻ và thanh niên nông thôn.

Thi đua khen thưởng cũng phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ cấp cơ sở trực tiếp phục vụ người dân phải có thái độ cầu thị, biết lắng nghe.

Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu cần có một chương trình đồng bộ trong tôn vinh nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong xã hội đối với gương người tốt, việc tốt. Theo đó, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương phải dành một thời lượng cần thiết, xây dựng chuyên mục và phát vào những khung giờ tốt để phục vụ tuyên truyền, thay vì thông tin quá nhiều về mặt trái của kinh tế thị trường. Các cơ quan báo chí cần chủ động tìm thông tin về các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để tuyên truyền.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và khen thưởng thành tích kháng chiến. Cùng đó là tổ chức tốt Hội nghị biểu dương, tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2017)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục