Thủ tướng: Không nâng được sức cạnh tranh, chắc chắn sẽ tụt hậu

Nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng lưu ý, nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh thì chắc chắn sẽ tụt hậu.​
Thủ tướng: Không nâng được sức cạnh tranh, chắc chắn sẽ tụt hậu ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành viên Chính phủ, các cấp, các ngành, nhất là người dân, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn để đạt được kết quả khả quan trong năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, "nếu chúng ta không đổi mới, cải cách, khắc phục những bất cập, lạc hậu đang cản trở phát triển, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn rất lớn."

Điểm qua tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng lưu ý, nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh thì chắc chắn sẽ tụt hậu.​ Đặc biệt là không thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước ​cũng như không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Trong năm 2016, đã có 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội và 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch. ​Trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách đã vượt kế hoạch đề ra, đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng 8,6%, đưa xuất siêu cả năm lên mức 2,68 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình thiên tai, nợ công, năng lực cạnh tranh, biến động quốc tế phức tạp, khó lường... và để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra ở mức trên 6%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung mọi giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu ​và công khai ngân sách.

“Tôi xin nói thêm là không chỉ tái cơ cấu kinh tế, mà giáo dục, y tế, các ngành khác đều phải tái cơ cấu. Còn nếu như vẫn vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ thì khó đạt hiệu quả như mong muốn,” Thủ tướng nhấn mạnh thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục