Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt trí thức Việt kiều tiêu biểu

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương mở thêm nhiều diễn đàn thuận lợi hơn nữa để các trí thức Việt kiều tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt trí thức Việt kiều tiêu biểu ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 12/11, nhân dịp dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi gặp gỡ các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu.

Buổi gặp mặt là một diễn đàn mở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, đề xuất những ý tưởng, đóng góp vào nhiều lĩnh vực liên quan đến tiến trình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nhân kiều bào tiêu biểu đã thẳng thắn trao đổi, góp ý với Thủ tướng về những vấn đề hệ trọng và đưa ra nhiều giải pháp liên quan trực tiếp đến những định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đi tắt, đón đầu sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4; mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Đáng chú ý, góp ý về nợ công, chuyên gia tài chính-tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ cho rằng Nhà nước cần hạn chế việc đảo nợ, giãn nợ vì phương thức này không thực sự đem lại những hiệu quả thực chất mà còn có thể để lại gánh nặng cho thế hệ sau.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Chính phủ cần có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng GDP tối thiểu ở mức 7% để có nguồn lực trả nợ. Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, trong tiến trình giải quyết nợ xấu ngân hàng, Nhà nước cần mạnh dạn sử dụng nguồn ngân sách quốc gia bằng cách giao tiền cho một đơn vị tài chính gom nợ từ các ngân hàng thương mại theo giá thị trường theo hướng mua đứt, bán đoạn và sau đó bồi hoàn cho Chính phủ.

Về vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất giải quyết nợ xấu bằng cách hoàn thiện thể chế, cho phép những ngân hàng loại này phá sản, giảm thiểu việc Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng như đang áp dụng.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất nâng cao hiệu lực thanh tra toàn diện để đánh giá chi tiết, đầy đủ hoạt động của các ngân hàng, phục vụ tốt hơn công tác quản lý.

Về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam, chuyên gia kinh tế-tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, kiều bào Mỹ vẫn bày tỏ tin tưởng vào tinh thần của Chính phủ hướng đến mô hình Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ.

Nêu quan điểm Chính phủ kiến tạo chỉ làm vai trò hướng dẫn, xúc tác, kích thích các sáng tạo từ thị trường, nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế-xã hội, tiến sỹ Phạm Đỗ Chí cho biết đã soạn thảo một chương trình quy mô tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam để tham vấn cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam.

Theo chuyên gia này, có thể chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm trước khi áp dụng rộng ra các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí đề nghị cởi trói mạnh mẽ cho những doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, xóa đi rào cản đối với doanh nghiệp, xây dựng một chương trình cải cách thể chế một cách toàn diện.

Chuyên gia Phạm Đỗ Chí cũng khuyến nghị thành phố thành lập khu công nghệ cao vào năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh để khuyến khích phát triển doanh nghiệp đi đôi với ứng dụng công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt trí thức Việt kiều tiêu biểu ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, nhân dịp về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài trên thế giới năm 2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Lắng nghe chi tiết các ý kiến góp ý tại buổi gặp mặt, xúc động trước tình cảm, trách nhiệm của các trí thức Việt kiều đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sáng kiến táo bạo của các chuyên gia, trí thức Việt kiều.

Thủ tướng vui mừng bởi các ý kiến đều thể hiện sự đồng thuận, nhất trí và niềm tin vào tương lai phát triển của đất nước. Nhiều ý kiến, giải pháp rất có giá trị và có khả năng đi vào thực tế cuộc sống.

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến và giao Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương mở thêm nhiều diễn đàn thuận lợi hơn nữa để các trí thức Việt kiều tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức, vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục